Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Khử thiêng quyền bính

“Sử dụng và lạm dụng quyền bính” (Authority: its use and abuse) là tựa đề quyển sách của Cha C.P. Varkey (nhà xuất bản The Bombay Saint Paul Society, 1999). Quyển sách nói về nguồn gốc, bản chất và định hướng của quyền bính trong Giáo Hội. Đặc biệt, phần lớn các trang sách, tác giả trình bày những kỹ năng ứng xử thực tiễn của những người lãnh đạo trong các cộng đoàn Giáo Hội, qua vô số các ví dụ cụ thể về người thật việc thật tại các Giáo Hội địa phương ở Ấn Độ. Dưới đây là vài ví dụ như vậy, về Tổng giám mục D’Souza và về Giám mục Irumpen.  Người dịch
Các vị bề trên cần một số tiện nghi nào đó để làm công việc của mình. Điều này thì đã hẳn. Nhưng khử thiêng quyền bính có thể ích lợi cho cả các bề trên lẫn các thuộc cấp. Cả hai sẽ hấp thụ tốt hơn tinh thần của Đức Kitô. Cha Arrupe hồi còn là Tổng Quyền Dòng Tên đã viết cho các vị bề trên của Dòng này như sau: “Việc cố gắng xây dựng mối dây huynh đệ và sự bình đẳng tốt hơn bằng cách khước từ những đặc quyền, những lối xưng hô trọng vọng… – tiến trình đôi khi được gọi là khử thiêng – được thấy là rất hữu ích”. Ngài viết thêm: “Bề trên nên tránh mọi thứ đặc quyền trong cộng đoàn”.
Sự kiện Đức Gioan Phaolô II công khai xin lỗi về những tội ác của Giáo Hội trong quá khứ cũng chính là một hành động khử thiêng. Trong lá thư mục vụ cuối cùng của mình trước khi nghỉ hưu hồi năm 1998, Tổng Giám mục Eugene D’Souza của Tổng Giáo phận Bhopal nói: “Tôi vui mừng cách riêng vì đã yêu cầu anh chị em gọi tôi là ‘bishop bhai’ hay ‘bishop brother’ (người anh em giám mục) – kiểu gọi đúng với sự thật về tôi, là một người anh em sánh vai làm việc cùng anh chị em, trong hành trình của anh chị em, hành trình của mỗi người và hành trình cùng với nhau”. Thật là một sự khác biệt lớn lao so với những “His Eminence, His Lordship, His Excellency, Most Reverend, Very Reverend…” (mà từ Việt ngữ tương đương là “Đức Cha, Đức Tổng…”) Chúa Kitô sẽ nghĩ gì trước những kiểu xưng hô bóng lộn ấy?
Tổng Giám mục D’Souza nói tiếp: “Nếu được phép làm lại tất cả, hẳn tôi sẽ có một số điều chỉnh. Tôi sẽ dành nhiều thời giờ hơn để gặp gỡ anh chị em nơi chính môi trường sứ mạng của anh chị em. Trong các chuyến viếng thăm, tôi sẽ gặp gỡ các linh mục và giáo dân để cùng giúp nhau biết cách làm cho triều đại Thiên Chúa trở thành một thực tại giữa chúng ta”. Nghĩa là ngài sẽ không mất quá nhiều thời giờ cho các cuộc hội họp hay các lễ kỷ niệm khấn dòng, ngân khánh, kim khánh này nọ... 
Có lẽ tôi không mạnh dạn nói ra những điều này nếu như một vị giám mục đã không nói ra trước tôi. Vẫn trong thư mục vụ ấy, Tổng Giám Mục D’Souza viết: “Giám mục Saupin thường hỏi: ‘Người ta cần một giám mục hay là cần một con gấu làm trò?’ Ngài ghi nhận rằng trong thực tế công việc của các giám mục dường như chủ yếu là đọc diễn văn, dự tiệc liên hoan, cắt băng khánh thành...”.
Đối với tôi, Giám mục Irumpen (đã quá cố) của Giáo phận Palakkad là một vị bề trên kiểu mẫu trong nhiều phương diện. Tôi ghi lại dưới đây một số điều nghe được từ một nhóm linh mục của ngài mà tôi có lần gặp.
- Ngài không bao giờ vận đai lưng trừ trường hợp Thánh Lễ đại triều.
- Mỗi ngày Chúa Nhật, ngài đến một giáo xứ nào đó mà không báo trước, ngồi tòa giải tội khoảng 15-20 phút, dâng Thánh Lễ, giảng lễ, dạy giáo lý, và chuyện trò với dân chúng cũng như với linh mục quản xứ.
- Ngài không bao giờ cho phép người ta tổ chức tiếp tân chào mừng ngài tại các giáo xứ. Tại tòa giám mục hay ở bất cứ nơi đâu mà ngài ghé thăm, ngài không nhận bất cứ sự biệt đãi nào dành cho mình.
- Ngài thường nói rằng sự hào nhoáng bên ngoài – kiểu như đoàn xe đưa rước đông đảo sang trọng trong những dịp đặc biệt – đó không phải là chứng tá cho Tin Mừng mà là chứng tá cho nền văn hóa thế tục của thời đại chúng ta.
- Ngày nào ngài cũng dành thời gian từ 9 giờ đến 12 giờ để tiếp bất cứ ai đến gặp. Không cần phải xin hẹn trước.
- Ngài không bao giờ nghỉ trưa.
- Ngài chỉ dự những lễ kỷ niệm chịu chức hay khấn dòng nếu những lễ ấy tổ chức ở nhà thờ chính tòa.
- Ngài không tổ chức mừng ngày kỷ niệm thụ phong giám mục của mình. Lễ bổn mạng ngài thì năm nào cũng mừng, vào dịp các linh mục tĩnh tâm tháng, ngày 19 tháng 3. Các linh mục hiện diện cùng nâng cốc chúc mừng và nhâm nhi chút bánh ngọt. Chỉ thế thôi.
- Ngài không đưa lên bản thông tin giáo phận các tin về hoạt động hay đi lại của ngài trong giáo phận. Chỉ thông tin cho mọi người biết trước về những trường hợp ngài phải ra ngoài giáo phận quá một ngày, chẳng hạn khi ngài sắp đi dự họp Hội Đồng Giám Mục...
- Ngài không bao giờ đi nước ngoài, trừ phi đó là bổn phận bắt buộc, như về Rôma dịp ‘Ad limina’. Ngài không bao giờ đi nước ngoài để quyên tiền. Ngài nói rằng các nhu cầu căn bản của giáo phận cần phải được gánh vác bởi chính bà con trong giáo phận.
- Ngài yêu cầu mỗi gia đình, dù giàu hay nghèo, đóng góp mỗi tháng 5 rupi cho giáo phận.
- Ngài gửi cho mỗi gia đình trong giáo phận một phong bì để đóng góp. Việc này được làm hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập giáo phận.
- Không bao giờ có chuyện phạt treo – chẳng hạn không cấp giấy chứng chỉ hôn phối cho người ta – chỉ vì người ta chưa đóng góp quĩ.
- Cho tới khi ngài qua đời, chẳng ai thấy hình ảnh của ngài trên báo chí.
- Ngài rời tòa giám mục vào đúng ngày 75 tuổi, sau khi đã dàn xếp chu đáo cho việc quản trị giáo phận được tiếp tục tốt đẹp.
- Ngài về hưu tại nhà hưu của các linh mục cao niên. Cuộc dời nhà thật đơn giản: tất cả đồ đạc của ngài xếp gọn trong một chuyến xe nhỏ.
- Giáo phận tặng ngài một ô tô dịp ngài về hưu, nhưng ngài không nhận.
- Ngài nói rằng ngài muốn được trợ cấp hưu bổng đúng theo mức của các linh mục hưu dưỡng khác trong giáo phận.
- Ngài luôn ăn mặc giản dị.
- Ngài ăn chay trường.
- Ngài không muốn xin viện trợ từ bên ngoài để xây các nhà thờ to lớn. Tuy nhiên, nếu có ai dâng hiến đất nền nhà, ngài sẽ xây một nhà thờ vừa phải, bằng sự hỗ trợ của chính tín hữu tại địa phương.
- Văn phòng của ngài là một gian phòng nhỏ, trong một ngôi nhà cũ kỹ. Trong văn phòng không có bất cứ món trang trí nào.
- Đời sống của ngài là đời sống của một chứng nhân Tin Mừng. Ngài sống điều ngài rao giảng; cách sống của ngài cho thấy rõ rằng quyền bính là để phục vụ.
Dường như Giám mục Saupin không nói về một cái gì đó phi thường khi mô tả chân dung giám mục mà ngài mong muốn. Một lối sống giản dị theo Tin Mừng chính là chứng tá cho Nước của Thiên Chúa.

Thiên Phong dịch Nguồn: Truyền thông Công giáo
Nguồn: Dịch từ “Authority: Its Use and Abuse” của C.P. Varkey

——————————————————–
Tổng Giám Mục D’Souza được nhắc đến trong bản văn thực ra là TGM. Leobard D’Souza ( của TGP. Nagpur ) chứ không phải Eugene D’Souza. Cả hai vị đều từng là Tổng Giám Mục của TGP. Nagpur ( Ấn Độ ). Riêng TGM. Eugene D’Souza đã chuyển từ TGP. Nagpur sang TGP. Bhopal.
Đây là sự nhầm lẫn của tác giả quyển sách.
Bản văn tiếng Anh của Thư Mục Vụ nhắc đến trong bài có sẵn ở địa chỉ sau đây:
http://www.usao.edu/~facshaferi/d’souza.htm
(Chú thích của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét