Kính thưa Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam,
Kính thưa Ngài Phó Thủ Tướng Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
Kính thưa quý anh em trong chức Giám Mục,
Thưa toàn thể anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô
và các bạn thân mến,
1. Tôi xin chân thành cảm tạ toàn thể cộng đồng đã dành cho tôi trong tư cách Đặc sứ của Đức Thánh Cha, một sự đón tiếp nồng nhiệt, dịp Giáo Hội Việt Nam bế mạc long trọng Năm Thánh.
Tôi hân hạnh chào ngài Phó Thủ Tướng Chính Phủ và cám ơn ngài về sự hiện diện ở đây giữa chúng tôi. Qua ngài tôi kính chào chính quyền dân sự của Đất nước đẹp đẽ này.
Tôi hết lòng cám ơn Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục, về những lời đáng mến mà Đức cha đã nhân danh Giáo Hội Việt Nam phát biểu đối với Phái đoàn Tòa Thánh, trong đó có 2 thành viên là con cái của đất nước này: là Cha Antôn Dương Quỳnh, chưởng ấn Toà Giám Mục Huế, kiêm cha sở Nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam Huế, và cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long, Bề trên Giám tỉnh Dòng Phanxicô, Tổng Thư ký Uỷ ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
2. Tôi được vinh dự và hạnh phúc mang đến anh chị em lời chào thăm nồng nhiệt nhất và hiền phụ, cũng như Phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Tôi sẽ ban phép lành Tòa thánh này, ngày mai, sau Thánh lễ, cùng với các Giám mục hiện diện ở đây. Đức Thánh Cha chúc mừng cơ hội vui mừng của hai biến cố lịch sử trong Giáo Hội tại Việt Nam: đó là việc thành lập hai địa phận tông tòa và thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo tại Việt Nam.
[nói tiếng Việt]:
– Đức Thánh Cha chào thăm anh chị em.
– Đức Thánh Cha yêu mến anh chị em.
– Đức Thánh Cha yêu mến nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Tôi cũng vậy, một cách đặc biệt, tôi yêu mến Giáo Hội này, bởi vì lịch sử truyền giáo trên Đất nước này gắn liền với lịch sử của Thánh bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, và tôi chỉ là Tổng Trưởng khiêm hạ và Tôi tớ.
[nói tiếng Việt]:
– Tôi yêu mến Giáo Hội Việt Nam.
3. Qua anh chị em, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tín hữu giáo dân, tôi muốn mở rộng lời chào thăm của tôi đến tất cả các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và tất cả mọi tín hữu giáo dân trong nước. Đặc biệt tôi muốn ngỏ lời với các bậc phụ huynh, những vị cao niên, những người đau yếu, các bạn trẻ và các em thiếu nhi. Họ không hiện diện ở đây với chúng ta, nhưng chắc chắn họ vẫn luôn hiệp thông trong lời cầu nguyện với chúng ta, cho biến cố lịch sử này.
[nói tiếng Việt]:
– Tôi kính chào anh chị em.
4. Sự hiện diện của quý đại diện các Hội đồng Giám mục anh em xác minh tính cách phổ quát của Giáo Hội Công giáo. Tất cả chúng ta là những người thừa kế di sản các Tông đồ, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và quốc tịch, chúng ta tuyên xưng trong xác tín rằng: "Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người" (Ep 4, 5-6).
5. Lời chào ưu ái, bình an và huynh đệ của tôi cũng xin được gửi đến quý vị đại diện các tôn giáo không Kitô giáo có mặt tại Việt Nam. Như quý vị biết, Giáo Hội Công giáo không loại bỏ những gì là chân thật, là thánh thiêng trong các tôn giáo không thuộc Kitô giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội nhìn nhận những thực hành và sinh hoạt, các luật lệ và giáo lý của các tôn giáo. Công đồng Vatican II dạy chúng tôi rằng: "Giáo Hội khuyến khích con cái mình, ngõ hầu, với khôn ngoan và bác ái, qua đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác, luôn biết làm chứng đức tin và đời sống kitô, giúp họ nhận biết, bảo tồn và phát huy các giá trị thiêng liêng, luân lý, văn hóa, xã hội vốn có trong họ" (Nostra Aetate, 2).
6. Sự hiện diện của quý cấp lãnh đạo chính quyền và Giáo Hội chắc chắn là một điềm lành cho tương lai. Thực vậy, sự tham dự này minh chứng lòng quý mến và sự nhìn nhận các giá trị mà cộng đồng công giáo tuyên xưng trong đất nước này. Tôi tin và hiểu rằng sẽ không thiếu đảm bảo tự do tôn giáo hoàn toàn, tạo điều kiện thuận tiện cho mọi tổ chức tôn giáo, cũng như cho mọi người tuyên xưng và thực hành niềm tin của mình cách công khai, dù họ thuộc bất cứ tín ngưỡng nào. "Quý vị hãy vững tin rằng, về phía mình Giáo Hội Công giáo, trong khuôn khổ và phương tiện riêng, sẽ tiếp tục cống hiến sự cộng tác để bảo vệ nhân phẩm cho mọi người và phục vụ công ích. Giáo Hội không xin đặc ân gì riêng cho mình, nhưng chỉ yêu cầu điều kiện tự do chính đáng để hoạt động theo sứ mệnh của mình" (Bênêđictô XVI, Diễn văn cho Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh, 12-5-2005).
Tôi rất thích ý tưởng Giáo hội và Nhà Nước như bậc cha và mẹ của một gia đình. Khi họ sống thuận hòa, thì con cái của họ hạnh phúc hơn. Ước gì Thiên Chúa làm như thế giữa Giáo Hội và Nhà Nước, ngay trên đất nước Việt Nam này.
7. Trong hoàn cảnh hạnh phúc hôm nay, với lòng tri ân tôi nghĩ đến đông đảo các vị thừa sai quảng đại, đã đem Tin Mừng đến trên đất nước Việt Nam này và đã rao giảng Tin Mừng đó cho dân tộc vĩ đại và mộ đạo này. Lòng can đảm của các nhà thừa sai đã được thể hiện cách sống động bởi các Kitô hữu Việt Nam đầu tiên, trong đó có Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, cũng như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vừa mới được Toà Thánh mở án phong Chân Phước.
Các ngài đã tưới gội cho hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả trên cánh đồng Việt Nam này bằng chính dòng máu thắm của mình, đã làm trổ sinh một Giáo Hội hùng hậu với 6 triệu tín hữu trải dài trên khắp mọi nẻo đường 26 giáo phận. Họ đang tiếp tục phấn đấu để sống xứng đáng là những Kitô hữu đích thực và thành tâm cộng tác để xây dựng một tổ quốc mỗi ngày một thêm giàu đẹp.
8. Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô, tôi rất sung sướng có mặt tại Linh Địa La Vang này, nơi mà Đức Trinh Nữ đã hiện ra cách đây 213 năm để an ủi những người đau khổ vì đức tin Kitô. Vậy là một giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Hành hương về nơi linh thiêng này, tôi cầu nguyện với anh chị em, cho anh chị em, và theo ý chỉ của anh chị em, một cách đặc biệt cho xứ sở xinh đẹp này được an vui và được thịnh vượng cả vật chất lẫn tinh thần.
9. Xin Đức Mẹ La Vang chúc lành cho dân tộc Việt Nam quý yêu và cho Giáo Hội tại Việt Nam. Cám ơn.
Nguồn: hdgmvietnam.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét