Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Sứ điệp lễ Thăng Thiên: ‘Trở thành môn đệ’

Suy niệm lễ Thăng Thiên, năm A

Đoạn Tin mừng Mt 28,16-20 ghi lại những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Ngài rời bỏ các môn đệ mà đi về cùng Cha. Những lời ngắn gọn, đơn giản, và sứ điệp thì rõ ràng: Hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều thầy đã truyền. Đó là ba điều cốt yếu người môn đệ phải thực thi.

Thiết tưởng ba điều này chung quy chỉ là một điều này là‘trở thành môn đệ’. Vậy môn đệ là ai?

Môn đệ là người thụ huấn và chia sẻ những quan điểm của một ông thầy. Vị thầy qui tụ một nhóm người, truyền thụ cho họ giáo huấn của mình. Các rabbi Dothai, Khổng Tử, các thầy đồ ngày xưa và chính Chúa Giêsu đã làm như thế. Ngài qui tụ một nhóm người, để họ cùng sống chung với Ngài. Thầy trò hiểu biết và gắn bó với nhau nhờ chia sẻ mọi cảnh huống của đời sống thường ngày.

Người ta tưởng tượng ra câu chuyện như sau. Khi Chúa Giêsu về trời, các thiên thần hỏi Ngài rằng: ‘Sau 33 năm Chúa đã để lại điều gì ở trần gian?’. Chúa Giêsu trả lời: “ Ta để lại một nhóm môn đệ”.

Quả thực thì Chúa chỉ để lại một nhóm môn đệ. Sau khi nhận thấy nhóm môn đệ đã thấm nhuần tinh thần của mình, Chúa Giêsu đã yêu cầu các ông nhân rộng ra mô hình này: ‘Làm cho muôn dân trở thành môn đệ’. Đó là việc qui tụ những người tin, học hỏi giáo huấn của Chúa, sống chung với nhau và chia sẻ cho nhau mọi nhu cầu của cuộc sống.

Do đó, trong cộng đoàn Hội thánh ngày nay, chúng ta cần chú ý đến ba phương diện này: học hỏi giáo huấn của Chúa, sống chung và chia sẻ mọi nhu cầu cuộc sống. Một cách cụ thể và rõ nét, những điều này được thực hiện trong việc cử hành thánh lễ.

Thật vậy, trong phần thứ nhất của thánh lễ – phụng vụ Lời Chúa – chúng ta nghe Lời Chúa và nghe giải nghĩa Lời Chúa, nhằm đào sâu giáo huấn của Đức Kito. Thiết tưởng việc nghe Lời Chúa nơi nhà thờ là chưa đủ, Người môn đệ cần phải dành thời giờ đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa một cách riêng tư. Có như thế người ta mới có thể thấm nhuần Lời Chúa được.

Khi tham dự thánh lễ, chúng ta được qui tụ từ khắp nơi: là tín hữu ở trong giáo xứ, anh chị em di dân và khách vãng lai... Dù xuất xứ từ đâu, mỗi người đều thấy mình có một chỗ trong cộng đoàn phụng vụ. Đừng ai tự tách riêng mình như một kẻ vô danh. Thánh lễ là việc cử hành chung, mời gọi mỗi người hiệp lòng, hiệp ý, cùng chung lời ca tiếng hát. Đây là một điểm nhấn của đời sống chung.

Là người, chúng ta sống là sống với người khác. Là Kito hữu chúng ta được kêu gọi thành cộng đoàn. Không ai là một hòn đảo. Người môn đệ chân chính của Chúa thì không khép kín, nhưng có tinh thần sống chung với anh chị em trong cộng đoàn.

Qua đời sống chung, người ta hiểu được nhu cầu của người khác. Từ đó nảy sinh ra vấn đề chia sẻ cho nhau mọi nhu cầu trong cuộc sống. Nhu cầu về thiêng liêng, tình cảm, tinh thần hay vật chất.

Ví dụ hiện nay Giáo hội tại Trung Quốc đang bị bách hại, ĐTC Bênêđictô XVI ấn định ngày 24-5 hằng năm là “Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc”. Ngày 24-5 là lễ Đức Bà Phù Hộ Các Kitô hữu, được sùng kính tại Đền thờ Sheshan, Thượng Hải. Vào ngày 18-5-2011, ĐTC cũng đặc biệt xin các tín hữu cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, nhất là trong thời điểm có nhiều thử thách này. Nhiều nơi đã cầu nguyện. Riêng tại TGp Saigon, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn ngỏ ý muốn mọi người có những sáng kiến để cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, không chỉ trong ngày 24-5, mà còn kéo dài cho đến hết tháng năm.

Còn việc chia sẻ vật chất thì có từ buổi đầu của Kitô giáo: Khi tham dự thánh lễ, các tín hữu mang theo lễ vật là bánh và rượu. Từ thế kỷ thứ IX, lễ vật được thay bằng tiền mặt tiện cho lợi hơn. Nhờ việc quyên tiền mà các cộng đoàn Giáo hội có khả năng cung cấp cho những nhu cầu của người nghèo cũng như các cộng đoàn khó khăn (...)

Tóm lại, việc học hỏi giáo huấn của Chúa, sống chung và chia sẻ đời sống là ba việc làm căn bản của người môn đệ Chúa. Chúng ta tìm được mẫu gương của những người môn đệ nơi cộng đoàn Giáo hội sơ khai. “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,42.44-45).

Trong ngày lễ Chúa Giêsu lên trời, lời thiên thần nói với các Tông đồ "Sao các ông còn đứng nhìn lên trời?" như còn vang vọng bên chúng ta, nhắc nhở chúng ta trở về với thực tại cuộc sống, thực thi lệnh truyền của Chúa 'làm cho muôn dân trở thành môn đệ'. 

Để thực hiện được điều đó, trước hết ta phải trở nên môn đệ đích thực, theo gương của cộng đoàn Giáo hội tiên khởi. Qua đó đời sống chúng ta mới trở nên chứng từ của ơn cứu độ ở giữa muôn dân.

Lm JB Phạm Quang Long

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Điện thoại di động có thể làm tăng nguy cơ ung thư

Sóng điện thoại di động có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Kết luận này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đưa ra hôm qua (31/5/2011).


Việc sử dụng điện thoại di động "ĐTDĐ" đã được xếp vào danh mục các nguy cơ gây ung thư, cùng với chì, khí thải động cơ, và chất gây mê chloroform. Mặc dù trước đó, WHO từng cho rằng chưa có bằng chứng nào về sự liên quan của thiết bị này với các tác động xấu đến sức khỏe.
Một nhóm gồm 31 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia khác nhau, trong đó có Mỹ, đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành nghiên cứu về mức độ an toàn của ĐTDĐ đối với người sử dụng.
Họ đã tìm thấy các bằng chứng rõ hơn về sự liên đới giữa khả năng ung thư u thần kinh đệm và tế bào thần kinh thính giác ở não đối với những người sử dụng ĐTDĐ. Tuy nhiên, họ không đưa ra kết luận nào đối với các loại ung thư khác.
"Vấn đề lớn nhất ở đây là thông thường sẽ phải mất vài thập kỷ chúng ta mới thực sự nhận thức được những hậu quả của các tác động này”, Tiến sĩ Keith Black, Trưởng khoa Thần kinh tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai Los Angeles nói.
Sóng phát ra từ ĐTDĐ là loại không bị ion hóa. Nó không giống như tia X, nhưng rất giống với sóng từ lò vi ba ở tần số thấp.
"Có thể hiểu đơn giản rằng, giống như sóng vi ba tác động tới thực phẩm trong lò ở tần số thấp như thế nào thì não người cũng đang bị tác động tương tự như thế”, tiến sỹ Black giải thích. “Vì vậy, bên cạnh việc dẫn đến các nguy cơ cao hơn về ung thư và khối u, những tác động này còn có thể liên quan đến việc suy giảm chức năng ghi nhớ của nhận thức, do thùy não bị ảnh hưởng tại thái dương khi chúng ta áp điện thoại vào nghe”.
Trước kết luận này, các nhà sản xuất thiết bị không dây đã lên tiếng phản hồi. “Điều này không có nghĩa là ĐTDĐ gây ra ung thư”, CTIA - Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị không dây phát biểu. Họ cũng cho rằng các nghiên cứu viên của WHO chưa tiến hành nghiên cứu mới mà chỉ nói lại những nghiên cứu đã có từ trước.
Tuy nhiên, European Environmental Agency cũng đã tiến hành một số nghiên cứu khác. Tổ chức này cho rằng ĐTDĐ có thể là nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng, giống như hút thuốc lá, khí thải amiăng và chì. Người đứng đầu viện nghiên cứu về ung thư tại Đại học Pittsburgh cũng đã khuyến cáo những nhân viên của mình về việc hạn chế sử dụng ĐTDĐ do lo ngại nguy cơ gây ung thư mà thiết bị này có thể mang lại.
"Khi nhìn vào tiến trình phát triển của căn bệnh này, đặc biệt là ung thư não, thời gian ủ bệnh là rất lâu. Tôi cho rằng việc đưa ra các khuyến cáo cho cộng đồng về tác động lâu dài của loại sóng di động có thể tăng nguy cơ gây ung thư là một điều hết sức nên làm”, Tiến sĩ Henry Lai, chuyên gia nghiên cứu khoa công nghệ sinh học thuộc Đại học Washington, người từng nghiên cứu về các loại sóng từ trong 30 năm qua, thừa nhận.
Các kết quả từ nghiên cứu quốc tế lớn nhất về mối liên hệ của ĐTDĐ và bệnh ung thư đã được báo cáo từ năm 2010. Kết quả này chỉ ra rằng, những người sử dụng ĐTDĐ từ 10 năm trở lên có tỉ lệ mắc chứng u thần kinh đệm, một loại khối u não, cao gấp 2 lần. Cho tới thời điểm đó, cũng chưa có các nghiên cứu dài hơi về tác động của việc sử dụng di động đối với trẻ em.
"Hộp sọ và vỏ não của trẻ em thường mỏng hơn người trưởng thành. Vì vậy sóng di động có thể thâm nhập vào sâu hơn. Các tế bào não của người trẻ đang trong quá trình phân chia nhanh hơn, vì thế tác động của sóng di động có thể sẽ lớn hơn nhiều”, tiến sỹ Black, viện Cedars-Sinai, nhận định.
Trước đó, vào tháng 2/2011, một nghiên cứu từ các Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã thông báo rằng sóng từ ĐTDĐ phát ra sau 50 phút sẽ bắt đầu làm tăng hoạt động của các tế bào não. Tuy nhiên, lúc đó thì người ta vẫn chưa làm rõ những hậu quả đối với hoạt động của não do những tác động nhân tạo này mang lại.
“Không thể kết luận ĐTDĐ là nguyên nhân gây ưng thư. Nhưng bằng cách xếp ĐTDĐ là một trong những yếu tố có khả năng gây ra chứng bệnh này, họ thừa nhận là nguy cơ này có thể tồn tại”, Nhà giải phẫu thần kinh, tiến sỹ Sanjay Gupta phát biểu trong tuyên bố của WHO ngày hôm qua.
Các nhà sản xuất của nhiều hãng ĐTDĐ phổ biến cũng đã đưa ra khuyến cáo người dùng nên giữ thiết bị cách xa cơ thể, và theo lời các chuyên gia y tế thì đó là một cách để làm giảm mức độ tác động của sóng điện thoại.
Trong cuốn hướng dẫn sử dụng iPhone 4, Apple có đề cập đến điều này rằng, "khi sử dụng iPhone để đàm thoại hay truyền dữ liệu không dây qua mạng di động, hãy giữ máy cách xa cơ thể ít nhất là 15mm”. Còn RIM cũng khuyên người dùng BlackBerry Bold nên giữ thiết bị BlackBerry xa cơ thể ít nhất 25mm.
Vậy cũng có nghĩa là tránh điện thoại càng xa người thì mức độ tác động của sóng càng giảm xuống. Người dùng cũng có thể sử dụng chế độ loa ngoài hay tai nghe có dây để tăng khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với thiết bị di động.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, ĐTDĐ phát ra nhiều sóng nhất khi chúng tìm kiếm kết nối với các tháp di động. Khi ĐTDĐ sử dụng trong lúc người dùng di chuyển, hoặc ở những vùng sóng yếu, nó phải làm việc này nhiều hơn và do đó cũng phát ra nhiều sóng từ hơn. Vì thế, người dùng cũng nên tránh sử dụng ĐTDĐ trong thang máy, tại các tòa nhà cao tầng, hay các vùng ít phủ sóng.