Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Cứu trợ lũ lụt: "Mỗi ngài 2 gói mì tôm"

Trên các trang mạng, tin tức lũ lụt và cứu trợ dồn dập, lòng tôi vơi bớt nỗi lo về những người thân ở quê bọ.

Cứu trợ lũ lụt, số liệu 'trên trời'

Danlambao đưa tin: "Trước hình ảnh tang thương trong cơn lũ tàn khốc của đồng bào ruột thịt miền Trung, các đồng chí lãnh đạo của đảng ta đã động lòng từ tâm và ra quyết định: cấp cho mỗi tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng để phân phát tới các hộ dân vùng ngập lũ".



Trong khi đó, VietnamNet cho hay "Thủ tướng đã gửi Công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế ứng ngân sách địa phương để huy động mỳ tôm, nước uống đóng chai nhằm cứu trợ cho dân vùng ngập lũ."

Và số liệu cụ thể được nói đến là "tỉnh Hà Tĩnh 50 tấn mỳ tôm và 50.000 lít nước; tỉnh Quảng Bình 50 tấn mỳ tôm và 50.000 lít nước; tỉnh Thừa Thiên Huế 10 tấn mỳ tôm."

Thực tế, người dân nhận được 'mỗi ngài 2 gói mì tôm'

"Trợ cấp à, nhà em dận được mỗi ngài 2 gói mì tôm." (Dận = nhận; ngài = người).

Tôi điện thoại về làng Hoà Ninh, một trong những làng bị ngập nặng ở bên dòng sông Gianh, hỏi thăm tình hình cứu trợ thì nhận được câu trả lời như trên từ một chị rặt giọng quê bọ. Khi nghe tôi đề cập các số liệu trợ cấp trên đây, thì chị nói: "Của mô mà diều rứa hè. Ở đây nỏ chộ chi mô." (Diều = nhiều; nỏ chộ = chả thấy).

Để kiểm chứng, tôi điện thoại cho hai người khác trong làng và cũng nhận được câu trả lời như thế. Nhà kia có 5 người, qua hai đợt đến nhà thôn trưởng nhận trợ cấp, tổng cộng là 10 gói mì tôm. 'Trên tinh thần nói chung... coi như là tóm lại', vỏn vẹn chỉ 2 gói mì tôm cho mỗi người, tính đến lúc tôi viết entry này: 14 giờ 50 ngày 09/10/2010.

Vài so sánh

Nếu chính phủ giảm bớt số tiền phung phí vào đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (chắc chắn là không rồi), thì với 94 ngàn tỉ có thể trợ cấp cho Quảng Bình 940 năm lũ lụt, như trận lụt lịch sử mà quê bọ phải hứng chịu vừa qua.

Hay với số tiền vỡ nợ của Vinashin, 86 ngàn tỉ, có thể giúp đỡ cho Hà Tỉnh 860 năm lũ lụt.

Mới đây, Hà Nội đã quyết định ngừng bắn pháo hoa ở 29 điểm, nhưng chắc gì số tiền tiết kiệm được sẽ tới tay đồng bào miền Trung.

50 tấn mì tôm thì nhiều lắm đấy. Nhưng với 50.000 lít nước, thì liệu người dân vùng lũ có được mỗi ngài 1 li không?

Và suy ngẫm

Đọc mản tin của VietnamNet mà tôi không khỏi suy nghĩ: Sao lại 'ứng ngân sách địa phương', rồi sau đó 'Chính phủ hỗ trợ các địa phương hoàn trả số kinh phí tạm ứng?'

Hoá ra là việc cứu trợ người dân trong cơn đại hoạ không đáng để chi ngân sách sao? Ơ hay, người dân là 'chủ' cơ mà! Hay là ngân sách chỉ có thể chi trả lương, tiệc tùng, hội họp cho các 'đầy tớ' mà thôi?

Trả lời báo chí ngày 8/10/2010, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nói: 'mọi hoạt động của Đại lễ không có mục đích nào khác là đều hướng về nhân dân, vì nhân dân.' Câu này khá quen quen trong thời đại của chúng ta. 

Theo ông Nghị, lý do Hà Nội dừng bắn pháo hoa tại 29 điểm trên toàn thành phố vào đêm bế mạc 'là bởi trong những ngày này thiên tai, lũ lụt gây nên những tổn thất nặng nề về người và của ở một số tỉnh miền Trung'. Có lẽ vì lý do an ninh hay vì sự phản ứng của dư luận thì đúng hơn.
Gia dinh khoc co giao Hoa o Ha Tinh
Đề nghị quốc tang

Tôi thiết nghĩ, việc ủng hộ bảo lụt, ngừng bắn pháo hoa cũng chưa đủ. Nếu các nhà lãnh đạo có lòng trắc ẩn, thì phải dừng ngay đại lễ, dừng mọi cuộc chơi, cả nước treo cờ rũ, cử hành 3 ngày đại tang lễ cho tất cả nạn nhân lũ lụt miền Trung. 

75 mạng người Việt không đáng cho chúng ta để tang sao? Xin cộng đồng dân mạng chúng ta đồng loạt làm một cử chỉ gì đó để tỏ tình liên đới với đồng bào miền Trung ruột thịt.


2 nhận xét:

  1. Quyết định hủy kế hoạch bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn Hà Nội, khi mà các tỉnh miền Trung đột ngột gặp thiên tai vừa là một đạo lý và là một yêu cầu tiết kiệm tiền bạc. Theo Vietnam.net nêu trên: “Toàn bộ kinh phí này sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai.” Vậy vấn đề là “toàn bộ kinh phí này” là “toàn bộ kinh phí” nào?. Không nói đến “toàn bộ kinh phí này” là của nhà nước hay phi nhà nước vì dù gì thì cũng đều của xã hội, của dân. “Toàn bộ kinh phí này” là bao nhiêu? người dân chưa được thông báo, chưa được biết là mấy tỷ, hay mấy trăm tỷ… vậy thì có căn cứ gì để nhân dân tin tưởng “toàn bộ kinh phí này” sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai. Những chuyện tiêu cực, tham nhũng tiền cứu trợ đã từng xảy ra nhiều hoặc chuyện nhà tài trợ tuyên bố ủng hộ từ thiện số tiền lớn nhưng sau đó không thấy đâu hoặc không giữ lời như tuyên bố… Hơn nữa, tuyên bố “toàn bộ kinh phí này” là sự mập mờ và phi lý, bởi đến lúc còn hai ngày nữa thì bắn mà lại tuyên bố hủy thì bao nhiêu chục % chi phí cho công tác chuẩn bị, nhân lực, vận chuyển, đặt hàng, thuê chuyên gia, thiết kế… và cả hai container pháo hoa đã bị nổ là mất rồi thì làm sao mà nói được “toàn bộ kinh phí này”? Hay vì lý do khác, đã đến cận ngày, mà pháo hoa là mặt hàng muốn mua phải đặt hàng trước, không có hàng dự trữ hoặc nữa chuyên chở bằng cách gì lúc này để đưa pháo đến các điểm tập kết đảm bảo an toàn, bù vào số đã bị nổ là không thể. Hy vọng đây không phải lý do dẫn đến quyết định hủy kế hoạch bắn hoa tại 29 điểm trong dịp Đại lễ.

    Một nhà nước chính danh phải biết trung thực với dân, thực hành công khai, minh bạch, hành xử đúng pháp luật để dân có thể kiểm soát được, có như vậy mới được dân tin tưởng.

    Hà Đình Sơn, Một nhà nước chính danh phải biết trung thực với dân, Bãuite VN

    Trả lờiXóa
  2. Bác cứ nói quá, 50 tấn mì tôm làm gì mà nhiều. Cứ cho 1 gói mì tôm tổng trọng lượng là 100gr đi (65 - 85gr quy tròn) thì 1kg mì tôm = 10 gói, 1 tấn = 1.000kg = 10.000 gói, cứ theo vậy thì 50 tấn mì tôm tương đương 500.000 gói mì tôm. Hic hic, nếu tính ra tiền, cứ cho là 5.000 đồng / gói (mì đặc biệt) thì tính ra mới được 2.500.000.000 đồng (2,5 tỷ đồng). Chắc số tiền này bằng 1 điểm bắn pháo hoa thôi chứ mấy.

    Trả lờiXóa