Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Trịnh Kim Tiến: Tôi đến với Chúa vì Người đã chọn tôi

VRNs (30.07.2012) – Sài Gòn – Trước đây tôi không hề tin có Chúa. Với những hiểbiết ít ỏi và nông cạn của mình, thậm chí cách đây 2 năm tôi không hề biết đến Đạo Thiên Chúa. Một phần do tôi không để ý và một phần do gia đình tôi chỉ thờ tổ tiên ông bà. Tôi rất mê mẩn với những chuyện tâm linh và cũng là một người khá mê tín nhưng tôi không tin có Chúa. Tôi nhớ là lần đâu tiên tôi biết về Người là thông qua một người bạn học cao đẳng cùng tôi. Bạn đó có Đạo và gia đình bạn là Đạo Công giáo gốc.


Tôi cảm thấy thật phiền phức và rắc rối nếu mỗi tuần phải đến nhà thờ. Trước những lời xuyên tạc mà tôi nghe người ta nói về Đạo công giáo, tôi cảm thấy không thích những người Công giáo. Họ không được thờ lậy cha mẹ, không được cúng giỗ tổ tiên mà chỉ thờ lạy Chúa. Tôi cảm thấy như vậy thì thật không nên. Họ có cái nước bùa gì đó mà khi uống vào, ăn vào con người ta bị thôi miên, mê mẩn và tôn sùng Đạo mà quên mất chính thân mình… Đó là những điều mà tôi nghe được trước khi tôi biết về Chúa.
Sau khi biến cố gia đình xảy đến, tôi hụt hẫng và hoang mang. Cùng lúc đó, trong số đông những người quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình tôi có các Cha và nhiều giáo dân Công giáo. Tôi thấy thật là lạ, tôi đã nghe rất nhiều điều không tốt về những người này, về Đạo này, nhưng khi tiếp xúc với họ tôi thấy họ đâu có xấu. Tôi thấy họ cũng như tôi, như mọi người, từ một số người tôi biết còn cảm nhận được sự chân thành, tốt bụng và thân thiện.
Rồi thì tôi hiếu kỳ, tôi tìm hiểu và tôi đang sắp trở thành con của Người. “Không phải anh em chọn Thầy mà chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16), đúng vậy, chính Chúa đã chọn tôi làm con của Người. Câu nói này đến bây giờ, sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của nó. Thật là khó nói hết ra những điều kỳ diệu mà Chúa đã mang đến cho tôi, thật sự nó rất huyền bí.










Nhưng cũng không phải tôi chưa bao giờ khước từ Chúa. Tôi đã chối bỏ Người rất nhiều lần, hết lần này tới lần khác, nhưng Người vẫn bao dung tôi, Người tha thứ và lại đón nhận tôi về bên Người.
Khi tôi cảm giác thấy Người đang đến gần tôi, tôi đã cố gắng để giả như không có điều đó, tôi phủ nhận Người có mặt nơi tôi. Tại vì tôi hốt hoảng và chưa thể tiếp nhận khi Chúa chọn mình. Tôi nói với những người bạn của mình, tôi học Đạo để hiểu thêm về Đạo nhưng tôi sẽ không theo Đạo. Tôi đã từng quả quyết và chắc chắn như vậy đấy. Mỗi tiết đến giờ học giáo lý hay mỗi khi tôi đi nhà thờ, cơn buồn ngủ của tôi lại tìm đến, tôi rất cố gắng để chiến thắng nó và nghe lời cha giảng. Trong khoảng thời gian đó liên tục xảy ra những việc khiến việc học Đạo của tôi bị ngắt quãng, có lẽ đó là những thử thách mà Chúa muốn tôi trải qua.
Tôi đã được học và tôi được hiểu, tôi đã nhận ra những điều tôi được nghe trước đây là những điều dối trá, là sự xuyên tạc và xúc phạm Chúa. Một trong 10 điều răn lớn của Chúa với các con chiên của Người là phải thảo kính với cha mẹ, ai nói người theo Đạo Công giáo là phải từ bỏ cha mẹ, tổ tiên của họ? Thậm chí họ còn có thể ngày ngày, hàng tuần hướng đến và cầu nguyện cho những người thân yêu của họ khi họ cùng tham gia nghi thức phụng vụ Chúa vào ngày Chúa Nhật. Còn thứ mà người ta cho là bùa mê đó, chính là Mình Máu Thánh, thứ mà một người con của Chúa khao khát được rước. Đâu phải ai cũng có thể được rước mà cho rằng đó là bùa chú con người ta. Mình Máu Chúa chỉ dành cho những ai tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Người.
Có rất nhiều cơ duyên để tôi gặp được những người bạn tốt, truyền cho tôi Đức tin và sự hiểu biết. Một cô bé kém tôi một tuổi, một người bạn, con của Chúa nói với tôi rằng: “Đạo Thiên Chúa không dạy gì ngoài tình yêu thương, điều mà Chúa mong muốn chỉ là hãy biết cách sống yêu thương nhau”. Tôi cứ nhớ mãi những lời cô bé nói. Còn một người bạn khác thì thủ thỉ vào tai tôi “Chúa nói với chị Chúa rất yêu thương em”. Tôi hạnh phúc biết bao khi nghe những lời đó.
Nhưng tôi đến với Chúa không bởi những điều người ta nói với tôi. Tôi đến với Chúa vì Người đã chọn tôi. Tôi đã thấy Người những khi tôi đau khổ, những khi tôi yếu đuối. Có khi ngồi trước linh ảnh, nhìn thấy những vết thương trên thân thể Người, nhớ về những điều tôi đã và đang trải qua, tôi khựng lại, trái tim tôi nhói lên và đau buốt.
Và bây giờ:
Tôi không thể sống tốt mà không có tình yêu thương của Chúa.
 Mônica Trịnh Kim Tiến

Hai bức ảnh tình người rơi nước mắt


Mấy ngày gần đây, cộng đồng facebook đã chia sẻ cho nhau hai hình ảnh về tình mẫu tử và tình người đầy mâu thuẫn nhưng xúc động. Cả hai hình ảnh thu hút hàng ngàn lượt bình luận trong thời gian ngắn.
Một bức chụp một đứa trẻ bị bỏ rơi, cuốn bao quanh thân hình bằng một tấm vải mỏng. Em được đặt trên trụ của lan can đường trong tình trạng côn trùng bò kín khắp người.
Cư dân mạng đang share hình ảnh đau lòng “một đứa trẻ bị bỏ rơi” khiến những người nhìn vào thật đau xót. (Nguồn: Facebook)
Bức ảnh xuất hiện trên facebook vào 16h chiều ngày 11/8, ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người với những lời bình luận bày tỏ sự thương xót. Bạn trẻ có nickname Quỳnh Quắn Quít bày tỏ: “khổ thân đứa bé quá!”. Bạn Carolyn Le xúc động: “Nhìn xong muốn nổi da gà. Tội nghiệp bé!”.
Cũng nhiều ý kiến phẫn nộ. Nickname Tiểu Xà viết : “Mong em sớm được siêu thoát. Thay mặt bố mẹ những người vô trách nhiệm với em, chị xin lỗi vì cảm thấy quá nhục nhã … Ngoài những “like” những “comment” thì chị không biết làm gì hơn là lời hứa sẽ không bao giờ biến mình thành người mẹ vô trách nhiệm … Rồi em sẽ là 1 thiên thần”.
Nick name Lệ Hằng tỏ ra bất bình: “Niềm hạnh phúc của phụ nữ là đựợc làm mẹ, thế mà người mẹ này lại bỏ đi đứa con mà mình mang nặng đẻ đau ra nó. Người mẹ này là người thật nhẫn tâm và ác độc”…
Bức ảnh thứ hai đăng tải ngày 14/8 trên mạng xã hội face book cũng gây xúc động đến rơi nước mắt.
Một bức ảnh cảm động rơi nước mắt. (Nguồn: Facebook)
Bức ảnh được đăng lên chưa đầy 11 giờ mà đã nhận được hơn một ngàn lượt “like” và bình luận.
Trong bức ảnh, theo nhiều người đó là một người đàn ông trung niên cõng người mẹ già của mình lên chùa thắp hương. Bức ảnh đã lay động tình mẫu tử của nhiều bạn trẻ. Nickname Rau Khoai viết: “Mẹ không có cánh, không vòng thánh. Nhưng trong mắt con mẹ vẫn là thiên thần.”
Trong hàng ngàn lượt bình luận, câu nói được thốt lên nhiều nhất là: Con yêu mẹ! Con xin lỗi mẹ!
Đây là cơ hội để nhiều bạn bầy tỏ tình cảm của mình với mẹ. Đôi khi chỉ là một câu nói mà chưa chắc ai cũng có thể nói ra. HaLy Phú tâm sự: “Thật tuyệt vời! Nhưng, rất ít người có thể nói được câu nói: “Con yêu mẹ”. Mình cũng chưa nói được.”
Hai bức ảnh, hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng nó đều là tình mẫu tử nói riêng, và là tình người nói chung. Khi xã hội càng phát triển thì những tình cảm tốt đẹp của con người ngày càng bị bụi bặm của cuộc sống che lấp. Nhìn lại hai bức ảnh và có những khoảng lặng cho riêng mình, ta sẽ ngỡ ra nhiều điều…
Nhật Linh, vietnamnet

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Bài hát: Mẹ giáo phận Vinh


Hiệp thông cầu nguyện cho giáo phận Vinh, nhất là giáo điểm Con Cuông.
Sáng tác: Huyền Vinh
Trình bày: Tuyết Nga và các bạn

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Tẽn tò trơ trẽn lộ bộ mặt thật của Đài truyền hình Hà Nội!




Đài Truyền hình Hà Nội, trong bản tin thời sự trưa nay, ngày 05/08 đã trắng trợn vu cáo những người biểu tình yêu nước. Đài Truyền hình Hà Nội đã bịa đặt như sau: "Đáng chú ý là trong cuộc tụ tập sáng nay, quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người biểu tình".



Đài truyền hình Hà Nội còn tiếp tục khẳng định "Bộ mặt thật cái gọi là biểu tình yêu nước đã bị lộ tẩy". Đài này còn cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết và bằng chứng trong bản tin thời sự lúc 18h30 cùng ngày.

Tuy nhiên, trong bản tin lúc 18h30 Đài này lại không cung cấp được bằng chứng nào về việc này. Như vậy, đây là một thông tin xuyên tạc của Đài truyền hình Hà Nội nhằm che đậy cuộc đàn áp, bắt bớ của cơ quan CA đối với người biểu yêu nước.


Trong bản tin trên, hình ảnh về các băng rôn thu giữ được (hình con bài tam cúc) cũng là hình ảnh bịa đặt, không dính dáng gì đến các cuộc biểu tình yêu nước chống TQ trong suốt 2 năm nay. 

Thật tẽn tò, lộ tẩy bộ mặt thật của Đài truyền hình Hà Nội! 

     Xem thêm: 


Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Bài hát: Ngọn nến hướng về Con Cuông


Sáng tác: Huyền Phạm
Quê bọ 12/7/2012

Con Cuông, một giáo điểm nhỏ với 250 tín hữu, đã trở thành điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, vì sự kiện phạm thánh và hành hung linh mục, tu sĩ và giáo dân do nhà cầm quyền địa phương gây ra ra tại đây ngày 1/7/2012.


Đã có một cuộc thắp nến vĩ đại đêm 7/7/2012 tại các giáo xứ trải dài trên khắp ba tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, dải đất miền Trung đầy nhọc nhằn và khổ ải.

Tham dự đêm thắp nến vĩ đại đó, một bạn trẻ đã sáng tác bài hát Ngọn nến hướng về Con Cuông


Tác giả có cái nhìn thật tinh tế khi chú ý đến từng ngọn nến một: "Từng ngọn nến lung linh tỏa lan", "từng ngọn nến lung linh cháy lan", "từng ngọn nến thắp lên".

Luồng sáng bao la được tạo ra từ từng ngọn nến một. Mỗi ngọn nến không bị lẫn lộn trong luồng sáng bao la đó, cũng như giáo điểm Con Cuông dù chỉ là một nhóm nhỏ cũng không bị lãng quên trong lòng mọi người yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình.

Phải chăng đó là thông điệp của bài hát Ngọn nến hướng về Con Cuông.






Thánh Gioan Maria Vianney

Hồi thiếu niên, tôi được biết Thánh Gioan Maria Vianney qua các tập truyện hạnh các thánh, và tôi đã rất “ấn tượng” với vị thánh “không giống ai” này. Việc Chúa làm quá kỳ lạ! Quả thật, “điều gì là không thể với loài người thì vẫn có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 19,26).

Ngày 4-8 hằng năm là lễ Thánh Gioan Tẩy giả Maria Vianney (1786-1859), cha sở họ Ars (curé d’Ars), bổn mạng các linh mục. Ngài là người sống khiêm nhường và thánh thiện khác thường.


Ngài dâng mình vì vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Ngài chấp nhận phải thánh thiện từ nhỏ, và điều đó đã hoàn tất nơi ngài. Mọi lời ngài nói ra đều được nói bằng tâm tình sùng kính. Thành công của ngài khó ai có thể bắt chước. Ảnh hưởng của ngài không thể bỏ qua, và kết quả không thể tranh luận.

Mẹ của Thánh Gioan Vianney là một phụ nữ rất sùng đạo, bà cho con trai biết đạo rất sớm. Thánh Gioan Vianney nói: “Tôi mắc nợ mẹ tôi, các nhân đức của mẹ tôi dễ dàng đi vào lòng con cái, và con cái sẵn sàng làm những gì được nhìn thấy”. Ngài có bản chất tốt, với đôi mắt xanh và tóc nâu. Về sau, ngài nói:“Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu. Tôi quen như thế nơi tòa cáo giải, từ miệng của các hối nhân”.

Sau nhiều gian truân, Thánh Gioan Vianney mới được chấp nhận trở thành linh mục. Lúc 20 tuổi, ngài rất khó khăn để học làm linh mục. Mathias Loras, có thể là người thông minh nhất của ngài trong chủng viện, được phân công giúp ngài học, và cũng rất nóng tính. Một hôm, hết chịu nổi khả năng của Gioan Vianney, Mathias Loras (12 tuổi) đã bạt tai Gioan Vianney trước mặt các chủng sinh khác. Mathias Loras thấy nóng mặt, nhưng cậu vẫn quỳ xuống trước mặt Gioan Vianney để xin lỗi. Mathias Loras có một trái tim vàng. Gioan Vianney cảm thấy buồn và bật khóc, rồi ôm lấy Mathias Loras đang quỳ dưới chân mình. Việc này bắt đầu một tình bạn khăng khít. Mathias Loras về sau làm nhà truyền giáo tại Hoa Kỳ, rồi làm giám mục giáo phận Dubuque, nhưng không bao giờ quên kỷ niệm xưa.

Thánh Gioan Vianney là người có cách nhìn vượt qua mọi trở ngại và có những hành vi tưởng chừng như không thể. Ngài khao khát làm linh mục, nhưng ngài phải cố vượt qua sức học yếu kém của mình, không đủ điều kiện vào chủng viện.

Ngài không học nổi tiếng Latin nên buộc ngài phải dừng bước. Nhưng mơ ước làm linh mục trong ngài khiến ngài tự tìm thầy dạy riêng. Sau thời gian dài vật lộn với sách vở, ngài được thụ phong linh mục.

Lúc còn là chủng sinh, Gioan Vianney học rất chậm. Một ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục không. Tuy đã cố hết sức học hành, Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy. Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò trống gì”?

Gioan Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”.

Và “con lừa” Gioan Vianney đã làm nên trò trống là làm rạng danh Thiên Chúa và mưu ích cho Giáo hội. Cùng với Catherine Lassagne và Benedicta Lardet, ngài lập La Providence (Chúa quan phòng), một nhà dành cho các cô gái. Ngài tín thác Thiên Chúa sẽ ban các điều cần cho tinh thần và thể lý của những người coi nhà “Chúa Quan Phòng” là nhà của mình.

Những việc “bất khả thi” luôn ám ảnh ngài. Tài mọn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục năm 1815. Sau 3 năm ở Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars. Khi quản nhiệm xứ Ars, ngài gặp nhiều người lạnh nhạt và sống khá thoải mái. Ngài muốn giúp họ ăn chay nghiêm ngặt và ngủ ít ban đêm: Một số quỷ chỉ có thể bị xua đuổi bằng việc cầu nguyện và ăn chay.

Lm Gioan Vianney cố gắng đạt được điều mà nhiều linh mục ước muốn, nhưng đó là điều khó. Không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn thay đổi từng chút. Đây là một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện. Khi đến nơi, Lm Gioan Vianney quỳ xuống hôn đất và cầu nguyện. Hành động đặc biệt này đã được Chân phước GH Gioan Phaolô II noi gương mỗi khi ngài đến nơi nào đó. Thánh Gioan Vianney nói: “Nếu một linh mục không muốn mất linh hồn, thì ngay khi giáo xứ gặp rắc rối, linh mục đó phải vượt qua mọi toan tính của con người, không sợ bị khinh thường và bị thù ghét. Linh mục đó không cần phải biện hộ, dù bị sát hại. Mục tử muốn làm sứ vụ thì luôn phải cầm gươm trong tay. Chính Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Corintô: Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?”. (*)

Trong các bài giảng đầu tiên, Thánh Gioan Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars: Báng bổ, nguyền rủa, coi thường ngày Chúa nhật, tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, những bài hát trơ trẽn và ăn nói tục tĩu. Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.

Thánh Gioan Vianney không bao giờ nghĩ xứ Ars sẽ thay đổi cho đến khi có 200 người sống theo Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Răn của Giáo hội và hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc sống. Điều này có đòi hỏi quá nhiều để đổi lấy Nước Trời?  Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26; Mc 8,34; Lc 9,22). Nếu chúng ta hỏi họ làm gì trong ngày Chúa nhật, có thể họ sẽ trả lời:  “Tôi bán linh hồn cho ma quỷ và đóng đinh Chúa Giêsu... Tôi đã được tiền định xuống hỏa ngục...”.  Đó có thể là lời được nói ra hoặc chỉ được nói thầm trong lòng!

Thánh Gioan Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc ngày Chúa nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Thánh Gioan Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh. Ngài vui mừng dạy giáo lý cho trẻ em và dạy chúng làm bổn phận.

Thánh Gioan Vianney thánh hóa mình trong công việc và luôn sống trong thế giới siêu nhiên, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một con người và một linh mục. Ngài nói: “Thật tốt đẹp biết bao khi làm mọi việc đều kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành! Hồn tôi ơi, hãy can đảm! Nếu ngươi làm việc với Thiên Chúa, ngươi sẽ thực sự làm việc, và Ngài sẽ chúc lành cho công việc. Ngươi sẽ bước đi và Ngài sẽ chúc lành cho những bước chân. Mọi thứ đều được ghi công. Hãy dâng mọi đau khổ nhỏ lên cho Chúa. Tốt đẹp biết bao nếu biết dâng mình, dâng ngày, dâng mọi sự cho Chúa!”.

Trong thư an ủi người anh em họ là Lm Chalovet, Thánh Gioan Vianney viết:“Tôi vội viết những dòng này để nói anh đừng bỏ đi, dù có những thử thách mà Chúa muốn anh chịu đựng. Hãy can đảm! Nước Trời đủ để làm phần thưởng cho anh. Hãy nhớ rằng ma quỷ trong thế giới này muốn giành lấy các Kitô hữu tốt lành. Anh đang trong hành trình tử đạo. Nhưng phúc thay nếu anh là người tử đạo vì bác ái! Đừng để mất triều thiên vinh hiển đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Phúc cho ai chịu bách hại vì Ta’. Xin chào tạm biệt. Hãy kiên trì và chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Nước Trời... Hãy can đảm lên, hỡi người anh em! Chúng ta sẽ sớm thấy Thiên đàn vinh quang. Sẽ không còn thập giá cho chúng ta! Thật là thiên phúc! Chúa Giêsu đã yêu chúng ta quá nhiều và Ngài sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc!”.

Từ nhỏ, Thánh Gioan Vianney đã yêu mến Đức Mẹ. Khi là linh mục, ngài luôn cố gắng truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Các gia đình trong xứ Ars đều có tượng Đức Mẹ trước nhà, và trong nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ với chữ ký “M. le Curé” (Cha sở Maria, tức là Lm Gioan Maria Vianney). Năm 1814, ngài cho dựng tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ xứ. Tám năm trước đó, ngày 1-5-1836, ngài đã dâng xứ Ars cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Những ngày lễ Đức Mẹ, giáo dân rước lễ rất đông, và nhà thờ không bao giờ vắng người. Chiều các ngày lễ Đức Mẹ, không ai muốn bỏ lỡ các bài giảng của ngài về Đức Mẹ. Người nghe rất phấn khởi khi nghe ngài nói về sự thánh thiện, sức mạnh và tình yêu của Đức Mẹ.
Giáo dân xứ Ars nói với nhau: “Cha xứ của chúng tôi luôn làm những điều ngài nói và thực hiện những điều ngài giảng. Không bao giờ thấy ngài nghỉ ngơi thoải mái”. Ngài ăn chay nghiêm ngặt, đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Ngài ngủ ít, mà chỉ nằm trên chiếc chiếu giản dị, và việc ăn uống của ngài cũng rất sơ sài, có khi chỉ là mấy củ khoai. Thánh Gioan Vianney đọc sách nhiều, và thường đọc hạnh các thánh. Ngài ấn tượng với cách sống thánh thiện của các thánh, ngài muốn chính ngài và người khác cũng noi theo những tấm gương đạo đức đó. Cách sống của ngài khiến chúng ta phải thẳng thắn tự xét mình rất nhiều!

Ngài nói: “Nếu chúng ta không là thánh bây giờ, thật bất hạnh cho chúng ta, vì thế mà chúng ta phải nên thánh ngay bây giờ. Trong lòng chúng ta không có tình yêu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm thánh”.

Từ năm 1827, bắt đầu có nhiều người đổ về xứ Ars. Khách hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Anh và từ Mỹ châu. Động lức chính của khách hành hương là muốn xưng tội với vị thánh sống và nghe lời khuyên của cha sở thánh thiện của xứ Ars. Tất cả là hồng ân Chúa, việc Chúa làm, chứ ngài không bao giờ xía vào chuyện riêng của người khác. Ngài hoàn toàn không tò mò, thọc mạch, hoặc chỉ trích giáo dân. Cũng như Thánh Giám mục Phanxicô Salê, ngài có biệt tài “thấy những cái mà người khác không thấy”. Khi giải tội, ngài thực sự thương yêu các hối nhân, đến nỗi ngài thường khóc ngay tòa giải tội. Người ta hỏi sao ngài khóc thì ngài trả lời: “Tôi khóc vì bạn không khóc”.

Người ta nói rằng “phép lạ vĩ đại của cha sở xứ Ars là tòa cáo giải”, vì ngài giải tội suốt ngày suốt đêm. Cũng có người nói rằng “phép lạ vĩ đại nhất của cha sở xứ Ars là hoán cải tội nhân”. Một hôm, có người tới xưng tội, người này chỉ đến nhà thờ vào ngày lễ Giáng sinh và Phục sinh. Thánh Gioan Vianney hỏi: “Ông xưng tội bao lâu rồi?”. Người này trả lời: “Bốn mươi năm rồi”. Ngài ngạc nhiên: “Bốn mươi năm?”. Người này nói: “Dạ, đúng là bốn mươi năm”. Và rồi người đàn ông này đã trở lại và chết tốt lành.

Ngày 4-8-1859, Lm Gioan Vianney trút hơi thở cuối cùng để về với Chúa. Ngài làm cha sở xứ Ars được 41 năm. Ngài được Giáo hội phong thánh năm 1925. Ngày nay, mỗi năm có hơn 500.000 lượt người đến thăm giáo xứ nhỏ bé Ars để kính viếng thi-hài-không-hư-nát của một Đại thánh nhân của Giáo hội Công giáo. Cuộc đời Thánh Gioan Vianney là câu chuyện dài về sự thánh thiện và đức khiêm nhường, ngài có trí thông minh kém cỏi nhưng rất thông minh về Thiên Chúa. Ngài chỉ thành công khi trở thành linh mục, ngài đã hoán cải cuộc đời rất nhiều tội nhân và ảnh hưởng mọi lớp người.

Suốt đời linh mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn giải hòa người ta với Thiên Chúa. Có những ngày ngài giải tội khoảng 12 giờ vào mùa Đông, và 16 giờ vào mùa Hè. Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có ít thời gian để ngủ vì thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”.

Ngài sinh tại Dardilly và qua đời tại Ars, Pháp. Ngài được ĐGH Piô X phong chân phước, và được ĐGH Piô XI phong thánh. Ngài được tôn phong là bổn mạng các linh mục, nhưng nhiều linh mục chưa thực sự noi gương ngài để trở thành khí cụ như Ý Chúa!

Cuộc đời Thánh Gioan Vianney đã hoàn tất theo Ý Chúa: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28; Mc 10,45).

Có quy-trình-trao-đổi thế này: Nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành, giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng. Chân phước Mẹ Teresa Calcutta ghi một bảng chữ ở phòng áo nhà nguyện thế này: “Xin các linh mục hãy dân thánh lễ sốt sắng như thánh lễ đầu tiên và như thánh lễ cuối cùng”. Mẹ Teresa rất sâu sắc và thánh thiện, vì cử hành thánh lễ là cử hành bí tích, rất quan trọng!

Thánh Gioan Vianney đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm!

Lạy Thánh Gioan Vianney, xin cho chúng con biết noi gương thánh thiện của ngài, và xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con để chúng con có thể mau mắn hoán cải và sống theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
---------------------------
(*) 2 Cr 12,15.

Trầm Thiên Thu

thanhlinh.net

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

"Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải ân huệ xin cho"


Nhớ lại những lời của Đức cha Ngô Quang Kiệt, tiếng nói của công lý.

Mật lệnh phía sau tấm HCV Olympic của Trung Quốc


(VTC News) - Ở tuổi 16, Shiwen Ye đã giành HCV Olympic nội dung 400m nữ hỗn hợp. Nhưng đằng sau tấm HCV ấy là những gì?

>> Tiếp tục mổ xẻ màn trình diễn 'thần tốc' Ye Shiwen
>> Bị đuổi khỏi Olympic vì gọi đội Hàn Quốc là 'lũ da vàng'

Sau 3 ngày thi đấu ở Olympic 2012, Trung Quốc tiếp tục là đoàn dẫn đầu Bảng tổng sắp với 9 HCV, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Mỹ tới 4 HCV.

Đó có thể là bất ngờ với rất nhiều nhà chuyên môn và người hâm mộ bởi Mỹ từ lâu luôn được coi là nơi tập trung của những cá nhân ưu tú nhất hành tinh, và sự thật là qua các kỳ Olympic, người Mỹ luôn thể hiện được sức mạnh tuyệt đối của họ, đặc biệt là ở hai môn thi cơ bản là điền kinh và bơi lội.

Có ai biết được đằng sau tấm HCV Olympic này là những gì? 

Olympic Bắc Kinh 2008, có thể coi là một ngoại lệ khi Trung Quốc lần đầu tiên vươn lên ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn. Tuy nhiên, sau đó khi nhìn lại, các nhà quan sát cho rằng thành công ấy có đóng góp không nhỏ của yếu tố sân nhà. Không nhiều người dám tin vào một kỳ tích nữa sẽ lại tiếp tục xuất hiện ở Olympic London.

Nhưng diễn biến sau 3 ngày đầu tiên đã buộc tất cả phải suy nghĩ lại. Trung Quốc với gần 1,5 tỷ dân số (gấp 5 lần dân số Mỹ) hiển nhiên là có tiềm năng cực lớn và vô vàn những sự lựa chọn trước một kỳ Đại hội tầm cỡ thế giới.

Quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra cực kỳ khốc liệt ở đất nước đông dân nhất thế giới và có thể tin rằng chất lượng của hơn 300 thành viên Trung Quốc tham dự Thế vận hội lần thứ 30 hoàn toàn không hề thua kém những VĐV người Mỹ, những người luôn được coi là xuất sắc nhất hành tinh.

Cứ nhìn vào chiếc HCV của Shiwen Ye ở 400m nữ hỗn hợp là đủ thấy người Trung Quốc bây giờ “lớn” đến dường nào.


Thành tích của Shiwen Ye trong 50m cuối cùng quả thực là không tưởng

Cô gái trẻ 16 tuổi trong 50m cuối cùng bơi thậm chí còn nhanh hơn cả Ryan Lochte, nam VĐV giành HCV ở cùng nội dung trước đó. Rất nhiều nghi vấn liên quan đến doping đã được đặt ra cho riêng cá nhân Shiwen Ye và cả cho đoàn thể thao Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu lật lại những gì mà cô gái vàng này đã trải qua trong quá khứ, hẳn mọi người sẽ có một cái nhìn khác.
Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nước Trung Quốc đã ra một mật lệnh, có nội dung đại ý rằng những nhà vô địch trong tương lai phải được phát hiện và mài dũa ngay từ khi còn nhỏ.

Tư tưởng ấy đã ngấm xuống đến tận những giáo viên trong các nhà trường, và bên cạnh việc lên lớp giảng bài cho những cô cậu nhóc tì, họ còn một nhiệm vụ tối cao khác nữa là phải thu thập và báo cáo về những đứa trẻ có tư chất khác thường. Sau đó, Chính phủ sẽ sàng lọc lại một lần nữa và đưa chúng vào 1 trong số 3000 trại huấn luyện trên khắp cả nước.

Bản thân mẹ của Shiwen Ye từng cho biết, cô con gái nhỏ của bà được phát hiện tài năng từ rất sớm. Khi Shiwen Ye mới chỉ lên 5 hay 6 tuổi, cô bé đã cao hơn các bạn đồng trang lứa hẳn một cái đầu. Một vóc dáng có phần nam tính, với bàn tay và bàn chân rất dài đã đưa cô gái quê ở tỉnh Chiết Giang đến với nghiệp thể thao khi chưa đầy 7 tuổi.


Những đứa trẻ Trung Quốc bị đưa vào những trại tập luyện từ rất sớm 

Một chương trình đã được lập sẵn để đưa Shiwen Ye trở thành nhà vô địch thế giới. Gia đình cô được tạo điều kiện để chuyển về thành phố Hàng Châu, trong một căn phòng chỉ có 2 phòng ngủ. Và dù bản thân bà Qing Dingyi sau này khi nhớ lại vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc phiêu lưu và rằng ông bà không có quá nhiều tham vọng đặt vào cô con gái bé nhỏ, thì sự thật là Shiwen Ye đã chính thức “vào tù” khi cô bước sang tuổi 11.

Như hầu hết các môn thể thao Olympic khác, VĐV bơi lội buộc phải tham gia vào một quá trình tập luyện vô cùng khắc nghiệt, mà các nhà quan sát thường hay nói đùa là đi khổ sai trong những “nhà tù” của thế kỷ 19. Các em phải tham gia vào những bài tập nhằm phát huy hết khả năng của cơ thể để hiện thực hóa giấc mơ vàng.

Thay vì dành thời gian để đọc truyện trinh thám, “tám” cùng bạn bè và thậm chí là sơn móng chân cho mẹ, Shiwen Ye phải bơi liên tục dưới hồ bơi cho đến khi nào HLV của cô ra lệnh nghỉ để các nhân viên thay nước, phải lên xà đơn 20 lần/hiệp (điều mà ngay cả những người trưởng thành cũng không làm nổi) ở tuổi lên 7.

Cô cũng được huấn luyện để luôn giữ được vẻ mặt lạnh lùng trước khi thi đấu. 6 năm qua, tất cả những gì mà Shiwen Ye biết chỉ là ký túc xá Spartan với những bức tường lạnh lẽo, những bài tập khắc nghiệt và HLV Wei Wei.


Tấm HCV ngày hôm nay là kết tinh của rất nhiều giọt nước mắt trong quá khứ 

Không những đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu trên sàn tập, những cô bé cậu bé Trung Quốc còn được giảng dạy và bắt phải học thuộc lòng một nhiệm vụ thiêng liêng cho nước nhà mang tên: Đánh bại người Mỹ trên đấu trường thể thao.

Tuy nhiên trước các phương tiện thông tin đại chúng, những nhóc tì này không được phép hé răng một lời về sứ mệnh thiêng liêng mà chúng đang mang trên vai. Tất cả chỉ là những câu trả lời nhạt nhẽo, được lập trình sẵn như chính cái dự án mang tầm vóc quốc gia mà chúng đang tham gia.

Thay vì được phát triển bình thường và hưởng sự chăm sóc trong vòng tay cha mẹ, Shiwen Ye phải ra ngoài, tự lập từ rất nhỏ. Nhớ lại chuỗi ngày khó khăn của cô con gái bé bỏng, bà Qing Dingyi chỉ biết cười chua chát: “Dẫu sao nó cũng được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà”.

(Còn tiếp)

Hoài Phong

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Hòa Ninh quê tôi

Hòa Ninh quê tôi xứ đạo yên vui,
giữa hai dòng sông chảy.
Sạu nếp, khoai tây,
ruộng vườn san sát,
lúa ngát xóm làng.


Bên tê cầu chợ Ngang làng Vĩnh Phước,
bên ni đò chợ Mới xứ Cồn Nâm.
Đây thánh đường Minh Lễ,
kín bờ tre chờ đợi kẻ đi về.

Chị tôi đi bán mộng.
Anh tôi chở củi về.
Nhìn chợ Mới đông vui,
thêm nhớ lại ngày xưa sum họp.

Đường quê quăn quắt bờ lau bụi hóp,
nối Minh Lễ, Diên Trường.
Câu kinh tiếng hát những buổi chiều tà
tổ ấm lòng ta
tổ ấm lòng ta thánh đường xinh mát.

Bóng ngô đồng lặng lẽ
khi mùa nắng chang chang;
có nhà phòng nghiêm trang
bên kia đường đi Thọ Ninh, Thọ Hạ.

Ai đi chợ Côi, ai đi chợ Dẻ
dừng chân lại đã, về đến xóm làng ta.
Xóm làng ta Diên Trường vất vả
với đáu, kiềng, mây, gióng quanh năm
như trên dưới lo chăm
một lòng đạo đức ngay thực.

Qua giếng Vường náo nức
đi lên họ Xóm Đồng
thánh đường trắng xóa giữa chòm cây bao bọc hình cung
sống những ngày lam lũ cưa đục quanh năm
bồ cót, mùa màng,
yên thân thủ phận trong xóm ngoài thôn.

Ai về Hòa Ninh,
đây Hậu Thôn bên đường quan lớn
cùng Hạ Lân khó nhọc quanh năm
Tiền Môn, Tiền Miếu đủ ăn
thợ thầy tứ xứ quanh năm đủ nghề.

Cối xay, nống, nẽn, gàu, thúng, oi, tơi,
chợ búa khắp nơi,
năm ngày một phiên chợ Ba Đồn đò giang không mỏi;
rồi chợ Mới, chợ Côi, chợ Điền, chợ Sải
mộng lứa này bán hết lứa kia...

Người Hòa Ninh chăm chỉ
Người Hòa Ninh như ong giữa mùa hè
ruộng ít người đông, tre vòng quanh xóm
một tình yêu trên dưới bà con.

Rồi bảy ngày một bữa lễ
các họ đổ về như nước như non.
Nhìn nhà xứ cha con
ngôi nhà ba gian rộng
trắng xóa tường vôi, cây xanh lồng lộng
dừa nghiêng bóng mát bờ hồ
bên trường Dom Bosco
vi vút hàng dương liễu...

Ôi nhớ xưa một đời cha già Thuận
đổ mồ hôi xây dựng
cả cơ đồ hai giáp Hòa Ninh!

Rồi Vĩnh Tân qua phố phường chợ búa
nước chảy thuyền trôi lên nguồn xuống bể
đêm đêm tiếng mẹ già em nhỏ cầu kinh.

Ai về Hòa Ninh khoai vàng sạu trắng
đất nhiều đời văn vật tổ tiên
đã dâng cho Giáo Hội những đứa con hiền.
Hãy làm rạng rỡ
hỡi những lứa tuổi xanh!

Lm Trần Thanh Hương
Kỷ niệm năm giúp xứ Hòa Ninh 1958

Đất nước và nhân dân






Đào Hiếu
"Nhiều người hỏi sao không viết về Hoàng Sa, Trường Sa..."
Có vẻ như “Đất nước” và “Nhân dân” là hai phạm trù rất gần gũi, rất thân thiết, có quan hệ máu thịt với nhau, thậm chí không thể tách rời nhau.

Từ hàng ngàn năm rồi, nhiều người đã hiểu như vậy, đã cảm nhận như vậy.

Tôi sẽ không viết được những dòng chữ có vẻ nghịch lý sau đây nếu không sống dưới chế độ “cộng sản”.


Sự kỳ quái của chế độ đó đã đánh thức mọi phản kháng trong tư duy, làm chúng ta vỡ mộng và vỡ luôn những nếp nghĩ khác.

Và một trong những phát hiện bàng hoàng nhất là: Đất nước và Nhân dân là hai thực thể có khả năng trở thành thù địch.

1
Từ thuở bé, con người đã gắn liền với đất nước mình qua lũy tre làng, dòng sông, bến đò, những bờ biển thơ mộng, những núi non hùng vĩ, những danh lam thắng cảnh…tất cả, góp phần tạo ra tâm hồn, tính cách và tình yêu của mỗi người, từ đó hình thành những mối dây ràng buộc, nhờ thế mà khi có ngoại xâm thì cả dân tộc cùng đứng lên, đồng lòng đánh đuổi chúng, giành lại từng tấc đất, từng ngọn rau…

Đó là những điều có thật. Đã từng xảy ra. Những tấm lòng yêu nước, những hy sinh vì tổ quốc, những anh hùng dân tộc… tất cả đều có thật.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
 Lý Thường Kiệt cũng xem đất nước Việt Nam là của vua chúa nhà Lý
Đào Hiếu

Duy chỉ một điều nghịch lý, đó là: trong lịch sử nhân loại CHƯA BAO GIỜ ĐẤT NƯỚC LÀ CỦA NHÂN DÂN.

Ngày xưa, khi vua Vũ diệt được Trụ, dựng nên nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn phù.

Chỉ có Bá Di, Thúc Tề chê là bất nghĩa, không thèm ăn thóc nhà Chu, cùng nhau lên núi Thú Dương, hái rau độ nhật.

Sau, có người đến bảo: “Nhà Chu đã trị thiên hạ, thì nơi nào lại chẳng phải của nhà Chu, ăn rau núi này chẳng phải ăn rau nhà Chu ư?”

Hai ông nghe nói, bèn nhịn đói cho đến chết.

Rõ ràng thời ấy người ta quan niệm sông núi, kể cả rau rừng đều “của nhà Chu” nào phải của nhân dân.

Ngay cả hạt thóc là do mồ hôi nước mắt của nông dân làm nên mà cũng được gọi là “thóc nhà Chu” thì nhân dân còn lại gì?

Trong bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, Lý Thường Kiệt cũng xem đất nước Việt Nam là của vua chúa nhà Lý khi ông viết: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thì thật sự cũng đã “xí phần” cho triều đình hết rồi, còn gì cho đám dân đen nữa?!

Thời phong kiến, đất nước là của nhà vua nên mới có cha truyền con nối, nên trung quân và ái quốc mới gộp làm một.

2
Ngày nay người ta nói nhiều đến dân chủ.

Có vẻ như đất nước không còn là của “nhà Chu” nữa, có vẻ như “Nam quốc sơn hà” không còn của “Nam đế” nữa.

Vậy chắc là của nhân dân rồi!

Thử xem có phải vậy không?

Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê hương “rừng vàng biển bạc” này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?

Tại sao?
Đào Hiếu
 Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê hương “rừng vàng biển bạc” này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?
Đào Hiếu
Sao những chàng trai nông thôn chân lấm tay bùn vẫn ở nhà tranh vách đất?

Sao những cô gái quê phải lên thành phố bán thân?

Sao bác phu xích lô vẫn còng lưng đạp mỗi ngày, sao lớp trẻ con nhà lao động phải nhễ nhại mồ hôi trong các khu chế xuất, các mỏ than, các nhà máy chế biến hải sản, lâm sản, nông sản…chỉ để kiếm chưa đến một trăm đô la mỗi tháng?

Sao nhân dân lao động vẫn phải chui rúc trong những căn nhà tồi tàn chật hẹp?

Nếu rừng là vàng, biển là bạc thì vàng ở đâu, bạc đi đâu, mà mỗi lần làm đường, xây cầu lại phải vay vốn ODA, vay vốn Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Thế giới… để xảy ra những vụ tham nhũng nhục nhã như PMU18, như vụ cầu Văn Thánh, như vụ PCI Nhật Bản…và hàng ngàn vụ khác?

Nếu đất nước này là của nhân dân thì sao dầu mỏ khai thác nhiều như vậy mà dân không giàu? mà Đảng lại giàu?

Nếu đất nước là của nhân dân sao lại chỉ có một nhúm các tập đoan tài phiệt phất lên nhờ kinh doanh rừng, biển, đất đai và lúa gạo… trong khi nhân dân thì bị cướp đất, rừng thì bị phá, thóc lúa thì bị thương lái ép giá, đẩy nông dân vào kiếp sống bần cùng?

3
Có quá nhiều bằng chứng để nói rằng trong lịch sử chưa bao giờ đất nước là của nhân dân.

Đất nước chỉ là của nhân dân trong các học thuyết, trong văn thơ, trong âm nhạc.
Không phải của nhân dân
 Những khu đô thị mới, những resorts, những sân golf, những câu lạc bộ quần vợt, những cuộc thi hoa hậu liên miên kia… không bao giờ là của nhân dân.
Đào Hiếu
Đất nước chỉ là của nhân dân trong hoài niệm tuổi thơ, trong tâm tình chôn nhau cắt rún.

Trên thực tế đất nước bao giờ cũng là tài sản riêng của giai cấp cầm quyền.

Ngày xưa thì đất nước là của vua chúa, ngày nay đất nước là của các chính quyền.

Còn nhân dân?

Ngoại trừ số ít giàu có ở các đô thị lớn, đại đa số nhân dân lao động, công nhân, nông dân, công chức, tư chức ăn lương… chỉ có được một căn nhà nhỏ, một mái tranh nghèo, một cái ổ chuột tối tăm trong xóm lao động hay dưới gầm cầu.

Những nhà hàng, những khách sạn sang trọng, những vũ trường xa hoa, những cửa hàng lộng lẫy kia không phải của nhân dân.

Những khu đô thị mới, những resorts, những sân golf, những câu lạc bộ quần vợt, những cuộc thi hoa hậu liên miên kia… không bao giờ là của nhân dân.

Những mỏ bô-xit, mỏ than, mỏ dầu trị giá hàng ngàn tỉ đô la kia, những lâm sản, hải sản vô tận kia… chưa bao giờ là của nhân dân.

Nhân dân chỉ có cái tổ chim bé nhỏ của mình, nhân dân chỉ có vại cà, con mắm, củ khoai, rẫy bắp, chiếc xích lô đạp, chiếc xe máy để chạy xe ôm, để đi làm mỗi ngày.
Nhân dân không biết nghe nhạc giao hưởng, không biết hát Opera, nhân dân chỉ biết rao: “Cháo huyết đây!” Bánh mì nóng giòn đây!” Báo mới đây!” “Mài dao mài kéo đây!”…

Nhân dân không có vé vào xem thi hoa hậu hoàn vũ hay xem trình diễn thời trang, nhân dân chỉ có năm ngàn đồng đủ trả một cuốc xe ra đứng đầu đường Huyền Trân Công Chúa và gọi: “Đi chơi không anh?”.

Nhân dân không có ai bảo vệ, chỉ biết chạy trối chết khi bị công an đem xe tới xúc về đồn để “làm sạch thành phố.”

Trong thời chiến, bao giờ nhân dân cũng bị xem như một thứ “tài nguyên”, một “nguồn cơ bắp dồi dào” sẵng sàng cung cấp cho chiến trường để giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa “giải phóng” “chống ngoại xâm” “thánh chiến” “vệ quốc”…

Tội nghiệp cho hàng trăm thế hệ những người lính đã ngã xuống trong các cuộc “chiến tranh thần thánh” ấy để rồi cuối cùng đất nước lại lọt vào tay một nhúm “đồng hương” chuyên nghề vơ vét.

Đất nước đã bị cưỡng đoạt.

Giờ đây, đối với nhân dân Việt Nam, nếu đất nước có còn được chút ý nghĩa, chính là vì nó đang ôm giữ trong lòng nó xương cốt của những người thân đã chết vì một lý tưởng hoang đường và một ước mơ không bao giờ có thật.

4
Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, rồi Trường Sa.

Vài trăm người biểu tình bị đàn áp, bị bắt, bị đe dọa.

Nhiều người hỏi tôi: “Sao không thấy ông viết về Hoàng Sa, Trường Sa mà chỉ viết về nhân quyền, về dân chủ?”

Chẳng lẽ tôi lại phải trả lời như thế này:

“Vì hai hòn đảo ấy người ta đã dâng cho Tàu rồi. Ai đòi lại được? Mà nếu như có đòi được thì cái lãnh thổ giàu tài nguyên ấy cũng đâu phải của nhân dân. Hai hòn đảo ấy cũng sẽ là tài sản của những kẻ cầm quyền và bọn tài phiệt, cũng sẽ bị chúng chia chác nhau mà ăn thôi.”

Về tác giả:Nhà văn Đào Hiếu, sinh năm 1946 ở tỉnh Bình Định, gia nhập Đảng Cộng sản năm 1968. Tham gia phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, ông sau năm 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ TP. HCM. Năm 2008, ông công bố trên mạng hồi ký Lạc Đường, gây nhiều tranh luận.

http://bbc.co.uk/vietnamese