Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Tản mạn về việc nên thánh

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây trên mạng internet đưa ra một cái nhìn không mấy khả quan về Kitô giáo khởi đầu ngàn năm thứ ba này. Có một xu hướng đáng báo động đối với người tín hữu Chúa Kitô: đó là khuynh hướng đánh mất sự thánh thiêng, lối sống xa rời tinh thần Tin mừng, lãng tránh không đề cập đến Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của những người tự nhận mình là kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô. Trong bối cảnh đó, thật là ý nghĩa đối với chúng ta khi cùng nhau suy nghĩ về việc nên thánh.

Thế nào là sự thánh thiện?

Thánh thiện là một thuật ngữ loại suy mà nghĩa đầu tiên dùng để chỉ sự toàn thiện tuyệt đối hay sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Thứ đến, người ta còn dùng thuật ngữ này để chỉ những thụ tạo chia sẻ sự thánh thiêng của Người. Theo nghĩa này, tất cả những ai ở trong tình trạng ân sủng thì được gọi là “thánh”. Nó còn được dùng để chỉ những gì được dành riêng cho Thiên Chúa, như nước thánh, thánh đường, thánh nhạc, đời thánh hiến… Sau cùng, thánh thiện còn là phẩm tính của những người mà cuộc sống họ hoàn toàn hoà hợp với đức tin.

Khi nói về các thánh nhân, điều trước tiên chúng ta nghĩ đến họ là những con người hoàn hảo. Nhưng thực tế lại không hẳn như thế: Các thánh cũng là những kẻ tội lỗi như chúng ta, nhưng biết chỗi dậy khi vấp ngã, và họ ý thức rằng mình cần được tha thứ. Nên thánh hay trở thành con cái Thiên Chúa là phó thác cho Thiên Chúa và để cho Người trở thành Thiên Chúa trong và qua chúng ta. Sự thánh thiện thực sự không thuộc về chúng ta; chính Chúa Giêsu biến đổi chúng ta cho đến khi chúng ta giống như Người. Phần đóng góp của chúng ta là cộng tác với Người và để cho Người tự do nhào nặn theo ý mình.

Các mối phúc trình bày cho chúng ta chân dung của một vị thánh là như thế nào. Thánh nhân là người không quá khích, người ước mong một thế giới công bình và sẵn sàng làm hết sức mình để đạt được điều đó, ngay cả khi bị ngược đãi hay bị loại trừ. Một vị thánh đồng thời là người nhân từ, đầy yêu thương, nhạy cảm với nỗi khổ đau của tha nhân. Và trên hết thánh nhân là người thuộc về Thiên Chúa, như trường hợp của ngôn sứ Êlisa hay thánh Biển Đức …

Đặc tính của sự thánh thiện

Có thể làm một phép so sánh với tình trạng hạnh phúc, để nói về những đặc tính của sự thánh thiện. Cũng giống như khi bạn đang sống trong hạnh phúc, thì bạn không nghĩ đến hạnh phúc; bởi vì ngay khi bạn ý thức về sự hạnh phúc của mình thì bạn không còn hạnh phúc nữa. Hạnh phúc thật không thể được tạo ra và không thể trắc nghiệm được, vì nó nằm ngoài lãnh vực của ý thức.

Sự thánh thiện cũng vậy. Ngay khi bạn ý thức về sự thánh thiện của mình, thì sự thánh thiện ấy bị hư hoại và méo mó. Tay trái bạn không biết hành vi tay phải đang làm là tốt lành hay đáng công. Bạn chỉ làm vì việc ấy xem ra tự nhiên phải làm như vậy. Dường như tất cả các nhân đức mà bạn có thể nhìn thấy nơi mình không phải là nhân đức gì cả, nhưng là điều mà bạn đã tạo ra và khôn lanh vun đắp, rồi cưỡng đặt vào bản thân mình. Nếu đó là nhân đức thật có lẽ bạn đã vui hưởng nó một cách trọn vẹn, và cảm nhận nó một cách tự nhiên đến độ bạn không hề nghĩ đó là nhân đức gì cả. Chúng ta cứ nhìn những đứa trẻ, chúng đâu có ý thức về sự ngây thơ vô tội của mình, nhưng chúng lại được Chúa Giêsu coi là mẫu gương cho tất cả chúng ta: “Nếu các ngươi không nên giống trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào nước Trời”. Vậy đặc tính đầu tiên của sự thánh thiện là đương sự không tự ý thức được.
    
Đặc tính thứ hai là tính phi nỗ lực. Nỗ lực có thể làm thay đổi lối sống, chứ không thay đổi con người của bạn. Giống như việc nỗ lực có thể đưa thức ăn vào miệng, nhưng không thể tạo ra sự ngon miệng; nó có thể giữ bạn trên giường, mà không thể tạo ra giấc ngủ; nó có thể ép bạn thốt ra một lời khen ngợi, nhưng không thể tạo ra sự thán phục tận thâm tâm; thì cũng vậy, nỗ lực có thể thực hiện những hành vi phục vụ, nhưng không thể tạo ra tình yêu hay sự thánh thiện.
    
Nỗ lực chính là sự khôn lanh của cái tôi. Nó thúc đẩy bạn tìm cách tôn vinh bản thân, chứ không phải để trở thành điều Thiên Chúa muốn về bạn. Nó đi tìm những phương pháp, kỹ thuật mà sản xuất ra những con người mệnh danh là thánh thiện, nhưng khô cằn, cứng nhắc, máy móc, vô hồn và bất nhẫn với người khác cũng như với chính bản thân mình. Loại người “thánh thiện” kiểu ấy là những con người bạo lực, đối lập với chính sự thánh thiện và yêu thương.
    
Sự thánh thiện còn có một đặc tính nữa, đó là không ham hố. Nếu bạn ước ao hạnh phúc, bạn sẽ lo lắng kẻo không đạt được nó. Lúc nào bạn cũng sống trong tình trạng không thoả mãn. Tình trạng không thoả mãn này sẽ giết chết hạnh phúc mà bạn đã cất bước đi tìm. Khi bạn ham hố sự thánh thiện cho bản thân, bạn nuôi nấng chính thói tham lam; và tham vọng này làm cho bạn trở nên ích kỷ, háo danh và không còn thánh thiện chút nào nữa.
    
Sự thánh thiện không có thể tìm thấy nơi những con người tham lam, tham vọng, ưu tư, xao xuyến, háo hức, cố gắng, kiếm chác, tiến thân, thành đạt. Còn nơi thánh nhân, có một nhận thức sắc bén, nhanh nhạy, xuyên thấu, và tỉnh thức, làm tan biến tất cả sự ngu xuẩn và tính ích kỷ, quyến luyến và sợ hãi.

Lời kết
    
Những dòng suy tư trên đây không phải là kim chỉ nam giúp cho ai đó nên thánh, nhưng chỉ là một nỗ lực nhỏ bé trình bày cho người đọc một cái nhìn phản tỉnh về sự thánh thiện. Bản chất của sự thánh thiện thì không thể phân tích và mô tả cụ thể được; nhưng hoa trái của nó thì có thể cảm nhận được qua nhiều phương diện khác nhau. Chúng ta có thể đo lường được mức độ của sự thánh thiện không? Chắc chắn là không. Tuy nhiên, chúng ta có một điểm qui chiếu, đó là chính Chúa Giêsu, vị Thánh - Nhân đích thực. Bởi vì Người không những là mẫu gương của sự thánh thiện mà còn là nguồn mạch của sự thánh thiện. Ngày ngày, Người thúc đẩy và trợ lực chúng ta, và sự thánh thiện của chúng ta phụ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta đối với ân sủng của Người.


Lm JB Phạm Quang Long
Phỏng theo Anthony de Mello

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét