Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Con chiên của Chúa - CN4 PS

Suy niệm Chúa nhật 4 Phục Sinh, Ga 10,1-10


Trong cuốn sách có tựa đề The Holy Land - Vùng Đất Thánh, John Kellman kể rằng: một du khách đi viếng Thánh Địa tìm đến một cái chuồng chiên trong thung lũng Hebron. Đó một bức tường bằng đá chung quanh, cao khoảng 1,4m và chỉ có một lối vào. Du khách hỏi kẻ chăn chiên đang ngồi cạnh đó: “Cửa chuồng ở đâu?” Người chăn chiên liền đáp: “Tôi chính là cửa chuồng. Đêm đến, sau khi lùa chiên vô chuồng, tôi nằm chặn ngang lối vào chật hẹp này, không có con chiên nào có thể bỏ chuồng ra đi, và cũng chẳng có thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua xác tôi.
                                          
Câu chuyện này có thể gợi cho chúng ta một vài chi tiết liên quan đến bài Tin Mừng hôm nay, trong đó Chúa Giêsu tự ví mình là người mục tử, (...) “chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra... anh đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”

Người Dothai là dân du mục, cho nên những hình ảnh này rất đỗi thân thuộc và nhiều ý nghĩa đối với họ. Họ nhìn thấy nơi những thực tại quen thuộc ấy một biểu tượng giá trị cho những thực tại tôn giáo. Mục tử là hình ảnh mô tả đúng tình yêu của Giave Thiên Chúa đối với họ, và đàn chiên là hình ảnh rõ nét tương quan của họ với Ngài.

Ở trên tường nhà thờ Cầu Rầm của chúng ta có đắp bức tượng Chúa Giesu, một tay cầm gậy mục tử, một tay bế con chiên con, và xung quanh Ngài là một đoàn chiên đông đúc mà Ngài dẫn đến dòng suối nước. Không biết ai là người đã sáng tác ra bức tượng này, nhưng chúng ta biết chắc rằng nó được cảm hứng từ thánh vinh 22, là bài bài đáp ca chúng ta vừa nghe ca đoàn hát rất hay: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.” Nhìn ngắm bức tượng này, anh chị em và tôi có thể cảm nhận được điều gì đó rất là gần gủi thân thương.

Thỉnh thoảng tôi có gặp những người mới theo đạo, sau nghi thức rửa tội, dường như có một điều gì đó thay đổi trong nội tâm của họ, bấy giờ họ được trở thành con chiên của Chúa, điều mà trước đây họ chưa được, và họ dùng từ con chiên áp dụng cho mình với niềm vui sướng và hạnh phúc. Mỗi người Kito hữu chúng ta đây, có thể một lúc nào đó trong đời, cảm nhận được hạnh phúc được làm con chiên của Chúa. Mặc dù không phải là dân du mục, nhưng chúng ta cũng dùng từ ‘con chiên’ để chỉ người theo đạo. Và từ ngữ mục tử, con chiên đã trở thành thân thuộc đối với người Việt chúng ta. Ước gì qua những từ ngữ quen thuộc đó, chúng ta cảm nhận được giá trị tôn giáo của nó: Mục tử là hình ảnh mô tả tình yêu của Giave Thiên Chúa đối với chúng ta là dân Thiên Chúa, và đàn chiên là hình ảnh rõ nét tương quan của chúng ta đối với Ngài.

Đối với dân du mục, đàn chiên là nguồn thu nhập chính. Do đó, người mục tử phải bên đàn chiên gần như suốt cả ngày lẫn đêm. Vì thế, anh có thể biết rõ con nào khoẻ mạnh, con nào đau yếu, con nào hay bỏ bầy… và anh cũng biết cách chăm sóc cho từng con chiên một.

Chúng ta hãy chú ý từ ngữ Chúa Giesu dùng: “chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra... anh đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” Các từ ngữ này diễn tả một tình yêu thương cá vị. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, nhưng không phải bằng một tình yêu chung chung, mà là tình yêu đặc biệt dành cho từng người. Ngài biết rõ từng người, từng hoàn cảnh, từng số phận. Nơi Thiên Chúa không có thiên vị, mà mỗi người đều được hưởng trọn vẹn tình yêu của Ngài.

Chúa gọi tên từng người. Từ hư vô, tôi được Chúa gọi thành người, làm một người trên trần gian này. Là người tôi được Chúa gọi là con chiên của xứ Cầu Rầm này. Rồi sẽ có một ngày Chúa gọi tôi về với Ngài ở thế giới bên kia. Ngoài ra còn có những tiếng gọi khác nữa: Chúa gọi những người nam, người nữ một cách gián tiếp qua con tim của những người khác giới để người họ thành vợ thành chồng. Hay là tiếng gọi tu trì để ai đó trở thành linh mục, tu sĩ... như trường hợp của Samuel.

Anh chị em biết câu chuyện của Samuel: một ngày nọ Samuel ngủ trong đền thờ, thì nghe tiếng gọi “Samuel, Samuel” ... Hay trong trường hợp của bà Maria Madalena buổi sáng phục sinh: bà gặp Chúa Giesu, nhưng cứ nghĩ là người làm vườn, cho đến khi Chúa gọi tên bà Maria, lập tức bà nhận ra Đấng phục sinh.

Người Việt chúng ta ví von rất hay khi nói rằng tiếng chuông nhà thờ là tiếng Chúa gọi. Nó cũng giống như tiếng của mục tử gọi chiên của mình đi về đồng cỏ xanh tươi.

Vấn đề là chúng ta làm sao để nhận ra được tiếng Chúa. Điều này dẫn đến một chủ đề thiết thân với đời sống đạo của chúng ta đó là việc nhận biết Chúa. Nhận biết Chúa cũng có nghĩa là gặp gỡ Chúa hay nói cách khác là kinh nghiệm về Thiên Chúa. Điều này cũng tương tự như nhận biết một con người, điều chỉ đạt được khi chúng ta gặp gỡ đích thân người đó. Vì thế chúng ta hãy cầu nguyện cho được ơn nhận biết Thiên Chúa.

Đây là thứ hiểu biết mà người dân miền Samaria đã có đối với Chúa Giesu sau khi họ được người phụ nữ Samaria giới thiệu: “Tự trong thành, có lắm người Samaria đã tin vào Ngài, vì lời phụ nữ chứng thực: Ông ấy đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Vậy khi những người Samaria đến gặp Chúa Giesu, họ xin Ngài ở lại với họ. Và Ngài đã lưu lại đó hai ngày. Có nhiều người hơn nữa tin vào Ngài, và họ nói với người phụ nữ: ‘Không phải vì câu chuyện của chị mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi cũng đã nghe và chúng tôi biết thật Ngài là Đấng cứu thế” (Ga 4).

Ước gì mỗi người Kito hữu chúng ta có ngày nói được với các linh mục hay là giáo lý viên như thế: ‘Không phải vì câu chuyện của quí vị mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi cũng đã nghe và chúng tôi biết thật Ngài là Đấng cứu thế”. Đây là thứ kiến thức mà Chúa Giesu đích thân ban cho chúng ta.

Thánh Phaolo đã coi trọng kiến thức này đến độ sẵn sàng đổi mọi thứ trên trần gian để có được nó. Chúng ta hãy nghe những lời đầy cảm xúc của thánh nhân: “Những điều kể là lợi lộc cho tôi đó, tôi coi là thua lỗ và bất lợi vì Đức Kito. Tôi coi mọi sự hết thảy là thua lỗ và bất lợi cả, so với cái lợi tuyệt vời là được biết Dức Kito, Chúa của tôi. Vì Ngài tôi đành mất hết, và coi là phân bón cả, để được Đức Kito và kết hợp với Người. Vấn đề là được biết chính Dức Kito, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh” (Pl 3,7-10).

Thánh Phaolo đã coi trọng kiến thức Đức Kito như thế; còn chúng ta thì sao? Chúng ta miệt mài nhiều thứ kiến thức khác để phục vụ cho công việc tông đồ. Bản thân tôi cũng như anh chị em tu sĩ khác có thể đã lo lắng học hành đủ thứ. Đi tu rồi mà cứ xin đi học vi tính, tiếng Anh, học nghề ... Tuy nhiên, nếu không có kiến thức Đức Kito thì tất cả những thứ kiến thức khác, tất cả học hàm, học vị của chúng ta, đều là những thứ rác rưởi, vứt đi hết.

Chúng ta thâm tín điều này: Kiến thức Đức Kito không phải là thứ kiến thức mà tự sức chúng  ta có thể có được. Đó là ân huệ thuần túy của Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta có thể làm được là hãy khiêm tốn nài xin một cách kiên trì. Chính Chúa Cha sẽ đưa chúng ta đến với Chúa Kito và tỏ bày cho chúng ta biết Chúa Kito, như lời Đức Kito nói với Phero: “Simon, con của Gioan, con có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17). Vậy chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa Cha lôi kéo chúng ta đên  với Chúa Kito là Mục Tử nhân lành dẫn đưa chúng ta được sống dồi dào. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét