Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Nông thôn VN và ước mơ nước sạch


2011-03-06
Gần 20% số dân vùng nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn phải dùng nước không hợp vệ sinh và vì không được cung cấp nước sạch, người dân ở thôn quê hàng ngày phải đối diện với nhiều loại dịch bệnh cùng với những nguy cơ do ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước bẩn gây ra.

Photo: RFA
Nhiều gia đình vẫn sống lệ thuộc vào nguồn nước sông, rạch.

Đây là vấn nạn của nhiều người dân nông thôn Việt Nam được báo chí trong nước thường xuyên đề cập đến.
Theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn thì trong giai đoạn 2011-2015, chánh phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào 62 huyện nghèo để tạo điều kiện cho người dân, nhất là những cư dân vùng sâu, vùng xa, vùng có dân tộc thiểu số, có đủ nước sinh hoạt.
Theo chỉ tiêu đề ra trong thời gian 5 năm tới, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu 95% dân số vùng nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 60% dân số nông thôn sẽ được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y Tế với số lượng là 60 lít nước, một người mỗi ngày. Hiện nay trung bình mỗi người dân vùng thôn quê Việt Nam chỉ được dùng từ 30 lít đến 50 lít nước mỗi ngày, ít hơn 10 lần so với người dân ở các quốc gia phát triển.

Tiêu chuẩn nước sạch

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam thì được công nhận là “nước sạch” khi nước sinh hoạt của người dân có đủ các các tiêu chuẩn về màu sắc, mùi vị, độ đục cùng các thành phần khác như sắt, đồng, chì, nói chung, nước sạch là nước đã qua xử lý.
Được gọi là nước hợp vệ sinh, các loại nước do người dân dùng hàng ngày không có màu, không mùi, không chứa đựng các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Lâu nay, ở vùng thôn quê, sơn cước tại Việt Nam, người dân vẫn sử dụng loại nước được xem là nước hợp vệ sinh, lấy từ nước giếng, nước sông và nước suối, muốn tránh tật bệnh thì cần phải đun sôi, nấu chín.

Nguy cơ đối mặt

Người dân TPHCM phải đem bình đi mua nước sạch, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of  Datviet.
Người dân TPHCM phải đem bình đi mua nước sạch, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of Datviet.
Ông John Anner, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Đông Tây hội ngộ, từ trên 15 năm qua đã xúc tiến các chương trình cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn Miền Trung Việt Nam giải thích về nguy cơ mà dân chúng phải đối mặt khi không được sử dụng nguồn nước sạch:
“Tại Việt Nam, việc tiếp cận với nước sạch là hết sức khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và nông thôn. Những bệnh có liên quan đến nước là nguyên nhân gây ra bệnh tật ở trẻ và người lớn, khiến trẻ không được đến trường do ốm đau, bị đi ngoài do uống nước không sạch.
Số liệu thống kê năm 2008 của WHO  cho biết mỗi năm có hơn 20 ngàn người Việt Nam chết do dùng nước bị ô nhiễm và mất vệ sinh.
Phần lớn nước ở các vùng nông thôn Việt Nam bị ô nhiễm. Người dân lấy nước từ nguồn nước mặt, nước giếng đào nông. Phần lớn các nguồn nước này đều nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút, vân vân.”
Mặt khác, số liệu thống kê năm 2008 của WHO tức Tổ Chức Y Tế Thế giới cũng cho hay là, mỗi năm có hơn 20 ngàn người Việt Nam chết do dùng nước bị ô nhiễm và mất vệ sinh.
Tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm giun sán ở vùng nông thôn Việt Nam được xếp vào hạng cao nhất thế giới, cụ thể là hiện có 44% trẻ em Việt Nam bị các bệnh giun và là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

Khó khăn và thách thức

Trình bày về những khó khăn mà nhà nước Việt Nam phải đối phó khi muốn đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, bà Sandra Bisin, đại diện UNICEF ở Hà Nội, tức Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh:
“Có nhiều thách thức mà Việt Nam hiện phải đối mặt, ví dụ như vấn đề về luật và chính sách quản lý chất lượng nước ở nông thôn, sự yếu kém về khả năng. Ở một vài nơi chúng ta thấy sự phối hợp chưa tốt giữa các bộ và chính quyền địa phương các cấp, thiếu nhân lực, thiếu thiết bị.
Gần đây là việc phát hiện hàm lượng asen và floride cao trong nước ngầm ở lưu vực sông Hồng có thể gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Ngoài ra là sự phát triển của sản xuất công nghiệp cũng khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm.”
Có nhiều thách thức mà Việt Nam hiện phải đối mặt, ví dụ như vấn đề về luật và chính sách quản lý chất lượng nước ở nông thôn, sự yếu kém về khả năng.
Bà Sandra Bisin
Về phía các quan chức Việt Nam thì việc bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân vùng sâu , vùng xa là mục tiêu hàng đầu mà chánh phủ muốn thực hiện bằng mọi cách, tuy nhiên theo ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường tỉnh Đak Lak thì khó khăn và thách thức lớn nhất là vấn đề cần vốn đầu tư cho các công trình và dự án cấp thủy. Doanh nghiệp tư nhân không muốn tham gia các dự án cung cấp nước sạch vì người dân thôn quê còn nghèo, không thể có tiền trả tiền nước hàng tháng, nên cứ quen sống như tập quán xưa nay:
“Nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu năm nay có hạn chế so với mấy năm. Vì mấy năm chỉ có 9 tỉnh làm thí điểm, sau đó mở rộng ra 32, giờ rộng ra 59 tỉnh, cho nên phần vốn mình phải mở rộng ra nên giảm xuống. Đó là vốn nhà nước.
Còn về chính sách xã hội hóa cũng gặp khó khăn vì ở đây đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân cho cấp nước thì chưa thấy cái nào, gia đình nào bỏ vốn ra cho nước sạch, chỉ có tự là cho mình thì có chứ còn chương trình này thì chưa.”

Chỉ là ước mơ

nuoc-gieng-250.jpg
Người dân Cà Mau đang bơm nước từ giếng ngầm. Photo courtesy of ĐatMuiOnline.
Vừa rồi là ý kiến của các chuyên gia quốc tế và quan chức địa phương nói về những khó khăn của hàng chục triệu người dân Việt Nam, đa số là ở vùng thôn quê khi chưa có nước sạch để sử dụng.
Người dân có suy nghĩ gì về chuyện nước sạch, nước hợp vệ sinh hay nước bị ô nhiễm , gây ra lắm tật bệnh. Ngay cả người dân tại một thành phố như ở Quy Nhơn, Bình Định cũng mong mỏi có nguồn nước sạch chứ chưa nói đến người sống tại những vùng quê, vùng sâu- vùng xa:
“Cái đấy là ước mơ, chứ tin tưởng thì không dám, bởi vì có nhiều cái nói vậy chứ không phải vậy. Có nhiều chuyện lỉnh kỉnh lắm, từ chuyện nước sạch, đến nhiều vấn đề khác nữa, làm vì lợi nhuận chứ không vì phúc lợi.
Vấn đề dùng nước sạch là người ta ước mơ thôi, người ta còn nhớ ngày xưa ông Kiệt (Võ Văn Kiệt) khi xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, thấy nước nổi lềnh bềnh, nước đục, nước bùn, rồi lóng phèn mà uống. Người ta đi ỉa xuống sông xuống cầu, gây nguồn ô nhiễm như vậy, rồi cứ lóng phèn, rồi nấu sôi uống. Có nhiều khi nấu chưa sôi, vì không có đủ phương tiện, nên uống là có bệnh, trúng ai thì ráng chịu.
Cái đấy là ước mơ, chứ tin tưởng thì không dám, bởi vì có nhiều cái nói vậy chứ không phải vậy.
Một người dân ở TP Quy Nhơn
Người dân, nói chung thì bình dị, được thì mừng, không được thì ước mơ chứ không dám tin tưởng 100%, người ta nói bằng ánh mắt thôi, vì thường là nói một đường làm một nẻo.”
Ngoài những chỉ tiêu đề ra cho thời kỳ năm năm trước mắt từ 2011 đến 2015, chánh phủ Hà Nội còn vươn tới mục tiêu bảo đảm cung cấp nước sạch cho 100% người dân nông thôn vào năm 2020.
Như phát biểu của người dân mà quí vị vừa nghe, để có thể đạt được những mục tiêu đề ra, công tác thực hiện không phải dễ dàng khi mà tình trạng ô nhiễm sông ngòi, kênh rạch vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn; thế rồi tác động của nạn hạn hán, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu … đang khiến cho nguồn nước tại Việt Nam bị suy giảm.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét