Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Giáo xứ Cầu Rầm phản đối việc xây dựng trên đất nhà thờ

Vinh – Nghệ An 23/5/2010 - Tại giáo xứ Cầu Rầm, sau thánh lễ sáng Chúa nhật Hiện Xuống, toàn bộ giáo dân đã kéo ra khu đất nhà thờ, để phản đối việc xây dựng khu thương mại trên đất này.


Cuối năm 2009, nhà cầm quyền Nghệ An đã giao khu đất này cho công ti cổ phần Trường Giang Sài Gòn, để xây dựng một trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê; mặc dù trên cửa vào vẫn đề dòng chữ to tướng ‘Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam’!



Cuối tháng 4/2010, giáo xứ Cầu Rầm đã làm đơn khiếu nại, nhưng nhà cầm quyền vẫn cứ làm ngơ và công trình vẫn tiếp tục được xây dựng. Kinh nghiệm cho thấy, đất nhà thờ cũng như đất chùa là tài sản linh thiêng của một cộng đồng tôn giáo qua bao thế hệ; vì thế nếu không được giải quyết một lần dứt khoát hợp lòng dân, thì mãi mãi không bao giờ yên!



Hôm nay là ngày kiêng việc xác, nên số người đi dự lễ rất đông: Ngoài giáo dân của xứ Cầu Rầm, còn thấy khá đông giáo dân từ các giáo xứ Bố Sơn, Cửa Lò, Kẻ Gai, Mỹ Dụ, Trang Cảnh, Yên Đại, Xã Đoài, và người khắp nơi về thành phố làm ăn… ước tính khoảng 5 ngàn người.



Biểu ngữ phản đối được giăng khắp nơi trên công trường, tất cả những chỗ nào mà người ta có thể giăng được.



Lời lẽ trên biểu ngữ khá ôn hoà, nhưng mạnh mẽ: “Chúng tôi đòi công bằng”; “Đất nhà thờ, đất thánh, không được dùng để trục lợi”; “Giáo xứ Yên Đại tỏ tình liên đới; “Giáo xứ Kẻ Gai tỏ tình liên đới”; “Giáo xứ Mỹ Dụ đòi quyền lợi chung” …



Khi mọi người đã tìm được chỗ đứng thì người ta bắt đầu hát thánh ca, cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ đang yên nghỉ trên khu đất này, kết thúc bằng lời Kinh Hoà Bình. Điều này làm sống lại không khí cầu nguyện của 10 năm về trước cũng tại nơi này, khi giáo dân Cầu Rầm kiên quyết cắm trại cầu nguyện để giữ đất.



Mặc dù số lượng người khá đông, nhưng không hề gây mất trật tự công cộng. Sau đó, người ta ra về, để lại các biểu ngữ vẫn còn nguyên trạng cho đến tối hôm nay Thứ Hai ngày 24/5/2010.



Cầu Rầm ở trung tâm thành phố Vinh, là sở hạt của 5 giáo xứ, với số giáo dân hơn 20 ngàn người, chưa kể số sinh viên Công giáo và người dân khắp nơi về thành phố làm ăn. Do đó khu vực nhà xứ hiện tại là quá chật hẹp so với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.


Với đợt tập trung cầu nguyện lần này có thể khơi mào cho một phong trào cầu nguyện đòi đất tại Nghệ An.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét