Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Các thánh tử đạo Việt Nam: Những lời nhắn đáng nhớ


Thánh Ane Lê Thị Thành
Có một câu chuyện thật cảm động xảy ra trên dòng sông Gianh, Quảng Bình, gần chỗ chúng ta đang đứng đây. Mùa nước lũ cách đây 7 năm, chính xác là ngày 26/11/2004, chị Maria Trần Thị Mai, một người giáo dân xứ Phù Kinh, đã hi sinh vì cứu người trong lũ. Sau khi đã cứu được 7 người, chị Mai đã mãi mãi ra đi, để lại 5 đứa con dại.


Hồi đó, báo chí viết rất nhiều về hiện tượng này. Người ta nói nhiều về chị Mai và gia đình, nhất là về nỗi đau mất mẹ mà 5 đứa con phải chịu. Đáng chú ý là một bài trên báo Tuổi Trẻ có tiêu đề 'Mạ không về nữa thiệt rồi', với lời kết thúc như thế này: "Đau xót quá cái hình ảnh mấy chị em chiều chiều ra bến sông trước nhà ngóng mẹ trở về từ con thuyền nhỏ sau một ngày chài lưới, nhưng từ chiều nay với các em, người mẹ thương yêu ấy đã không về nữa! Mãi mãi không về nữa!"

Đọc bài báo đó, tôi cảm thấy nghèn nghẹn, không cầm nổi nước mắt. Nhưng tôi cũng có cảm giác là thiếu một điều gì đó, vì tuyệt nhiên người ta tránh né, không đề cập đến một chi tiết quan trọng: chị Mai là một người Công giáo. Tôi cho rằng đây là một yếu tố thiết yếu, quyết định hành động của chị.
Thử hỏi tại sao chị Mai có hành động anh hùng như vậy? Thưa vì lòng bác ái Kitô giáo thúc đẩy mà chị đã hi sinh mạng sống mình để cứu tha nhân. Chị đã thực thi lời Chúa dạy: Hãy yêu tha nhân như chính mình. Trong cuộc đời, chị đã đọc không biết bao nhiêu lần kinh Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn.Mười điều răn được tóm lại thành hai điều: Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu người như mình ta vậy. Chị được nhà nước truy phong danh hiệu anh hùng. Còn chúng ta có thể phong thánh cho chị. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho bạn hữu mình. Chết cho người khác được sống có thể xem như tử đạo. Đó thật là một chứng tá sống động cho mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Hôm nay trong ngày lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta vui mừng, vinh dự và khâm phục khi chiêm ngưỡng 117 tấm gương sáng chói của các bậc tiền nhân, đại diện cho hơn 130.000 chứng nhân đức tin, đã anh dũng hy sinh vì tình yêu đối với Đức Kitô.
Vua quan và lý hình thời đó chắc chắn đã ngạc nhiên thắc mắc: Không biết vì sao những người này lại hy sinh mạng sống mình? Bản thân mỗi người chúng ta cũng có thể tự hỏi: Nhờ đâu mà các ngài có sức vượt qua mọi đau khổ cực hình như thế? Và trong ngày lễ hôm nay, các ngài để lại cho chúng ta những thông điệp nào? Thông điệp, message, đơn giản là lời nhắn. Các ngài muốn nhắn nhủ chúng ta là hậu thế của các ngài những điều gì đây? Rất nhiều vấn nạn chúng ta có thể đặt ra trong ngày lễ này. Câu trả lời tiềm tàng trong các bản văn phụng vụ đọc trong ngày lễ hôm nay.
Chúng ta hãy nghe lời một bà mẹ có bảy người con trai phải chết nội trong một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Chúa. Bà dùng lời Chúa mà nói với các con rằng: "Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con coi trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình".
Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Roma thì đưa ra câu hỏi: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?" Và câu trả lời đi liền kề: "Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta".
Còn bài Tin mừng Luca thật ngắn gọn, nhưng đó là lời sự sống cho các môn đệ Chúa: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vá thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Người nào được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì?"
Cha ông chúng ta ngày xưa đã nghe những lời đó. Các ngài suy gẫm những lời đó, và lấy làm phương châm sống cho mình. Thật vậy, chúng ta có thể nghe lời các ngài sau đây, và nhận thấy rằng lời các ngài tương hợp với lời Chúa, bởi vì lời của các ngài bắt nguồn từ lời Chúa, và lời các ngài phản ảnh lời Chúa.
Thánh Phaolo Tịnh viết cho các chủng sinh ở Kẻ Vĩnh như thế này: "Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Kitô ở cùng tôi. Người mang tất cả sức nặng thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất". Ngài thưa với quan án rằng: "Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được".
Thánh Anrê Kim Thông nói: "Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo".
Thánh Phêrô Quí gửi cho mẹ mình:
"Dù trăng trói, gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử".
Thánh Simon Hòa nói với các con: Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn".
"Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!" (thánh Teophano Ven).
Các thánh tử đạo ngày xưa không có được tiện nghi như chúng ta ngày nay: các ngài không có điện thoại di động, không có email, không biết dùng Yahoo Messenger. Nếu có chắc các ngài đã để lại cho chúng ta những lời nhắn. Thế nhưng chính cuộc đời của các ngài nhắn nhủ chúng ta rất nhiều điều. Trong dịp lễ năm nay, tôi xin ghi lại ba lời nhắn đáng nhớ mà các thánh Tử đạo đã âm thầm gửi lại chúng ta:
  1. Coi trọng Luật Lệ của Chúa hơn bản thân mình.
  2. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
  3. Được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì
Thời nào cũng đầy những cạm bẫy, những cám dỗ làm cho chúng ta xa Chúa. Để giữ vững đức tin, lúc nào chúng ta cũng gặp nhiều tình huống khó khăn, thậm chí hết sức khó khăn, buộc chúng ta phải chọn lựa dứt khoát: bỏ Chúa hay theo Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ muốn phá thai, ngừa thai chẳng hạn, hãy nhớ lại lời nhắn của bà mẹ có 7 người con: "Coi trọng Luật Lệ của Chúa hơn bản thân mình." Khi chúng ta được mời mọc về một lối sống xa rời tinh thần Tin mừng, hay là lỗi lời khấn như các chị nhà dòng ở đây chẳng hạn, hãy tâm niệm lời của thánh Phaolo: 'Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô'. Khi chúng ta gặp những cám dỗ ngọt ngào, đi gia nhập hội đoàn này, tổ chức kia, tỉ như: "không có gì đâu, anh vẫn được phép giữ đạo như thường…", thì hãy nhớ lời của Chúa: 'Được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì'; hay lời của thánh Teophano Ven: 'Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!'
Ngày nay, không còn những cuộc bách hại như xưa, nhưng văn hóa và lối sống hưởng thụ thời nay cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được dễ dàng , e rằng có khi chúng ta bước qua Thánh giá, sống ngược với đức tin, mà vẫn không hay: Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai, nạo thai; đó là khi những người trẻ buông thả về đời sống tình dục; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn.
Mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay cũng là dịp để chúng ta nói lên lời đoan hứa quyết tâm trước các bậc tiền bối: Quyết tâm làm Kitô hữu cho đến chết.
Có ai trong chúng ta có ước muốn đạo đức là được tử đạo không? Có thể Chúa không muốn chúng ta tử đạo theo nghĩa chặt, nhưng Chúa muốn chúng ta sống đạo để nên thánh. Nên thánh là ơn gọi căn bản của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đọc những lời nhắn đáng nhớ qua cuộc đời của các thánh tử đạo Việt Nam, tôi xin nêu lên một định nghĩa về sự thánh thiện: Thánh thiện là làm cho cuộc sống mình, lời nói của mình tương hợp với lời Chúa. Để được như vậy, thì chúng ta cần phải nghe lời Chúa hằng ngày, đọc và suy niệm lời Chúa hằng ngày, lâu ngày, lâu tháng, lâu năm. Nhờ đó lời Chúa thấm vào trong lòng, làm cho mọi suy nghĩ, phản ứng và việc làm của chúng ta mới phù hợp với lời Chúa. Amen.
Lm JB Phạm Quang Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét