Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Di dân giáo xứ Thuận Nghĩa tại miền Nam mừng lễ bổn mạng



Ngày 18/11/2012 tại giáo xứ Nghĩa Sơn (giáo phận Xuân Lộc), anh chị em di dân của giáo xứ Thuận Nghĩa tại miền Nam đã tổ chức trọng thể lễ thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, quan thầy và cũng là đồng hương của họ.

Thánh lễ do cha Anton Nguyễn Văn Đính, quản xứ Thuận Nghĩa, chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có các cha: Anton Võ Thành Công, Tôma Võ Minh Danh (Đà Nẵng), GB Phạm Quang Long, Bosco Nguyễn Xuân Minh (O. Cist.), Giuse An Chu Văn Phương (O. Cist.), Phêrô Trần Văn Thanh, Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh (OFM).

Cộng đoàn tham dự ngoài anh chị em di dân Thuận Nghĩa còn có bạn bè từ các giáo xứ của giáo phận nhà.

Thánh Phêrô Vũ đăng Khoa sinh năm 1790 tại giáo xứ Thuận Nghĩa. Khi còn nhỏ, cậu Vũ đăng Khoa luôn tỏ ra là người con ngoan ngoãn, đạo đức có chí hướng sống và làm việc đạo.

Có thể ngài theo học ở Tiểu chủng viện Hướng Phương và Kẻ Vĩnh, vì thời bấy giờ giáo phận Tây Đàng Ngoài chỉ có 2 Tiểu chủng viện đó. 


Mãn tiểu chủng viện, ngài được gửi đi học tại Đại chủng viện Đàng Ngoài. Trong thời gian giúp xứ, ngài tỏ ra là con người “nết na, nghiêm trang, không hay chơi bời”, và "có lòng đạo đức sốt sắng", theo như nhận xét của giáo dân.


Năm 1830, ngài được thụ phong linh mục tại Kẻ Vĩnh ở tuổi 40 tuổi. Sau khi thụ phong, ngài từng giúp các xứ Bạch Bát (Ninh Bình), Thanh Chương (Nghệ An), Kẻ Đông (Hà Tỉnh), Lũ Đăng (Tân Phong, Quảng Bình) giúp cha thánh Vincent Nguyễn Thì Điểm, Làng Ngang (Vĩnh Phước - Hòa Ninh, Quảng Bình), Cồn Dừa (Kinh Nhuận, QB).

Cha Khoa bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Ysave, ngày 2 tháng 7 năm 1838; đến ngày 8/7/1838, bị giải vào Đồng Hới, Quảng Bình. Tại đây, ngài tử đạo ngày 24/11/1838 ở tuổi 48, sau 8 năm làm linh mục.



GB Phạm Quang Long

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Tân Phúc âm hóa là gì?

GPVO - Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giải thích ý nghĩa của từ "tân Phúc âm hóa" trong bài giảng thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm thường niên lần thứ 7 của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 của giáo phận Vinh chiều ngày 19/10/2012. Sau đây là nguyên văn bài giảng đó. Tựa đề là của ban biên tập.


Một sự trùng hợp rất ý nghĩa khi lần tĩnh tâm năm nay của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 đã diễn ra trong bầu khí của Năm Đức Tin và vào thời điểm Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang nhóm họp tại Roma về đề tài “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Có thể nói đây là một trong những chủ đề quan trọng được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II khai triển trong các văn kiện, cũng như trong các chuyến viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu Latinh, châu Phi và châu Âu.

Nhưng tân Phúc âhóa” là gì? Đâu là tầm quan trọng của nó trong Giáo Hội hôm nay? 

Về phương diện lịch sử, diễn ngữ “Tân Phúc Âm Hoá” có một xuất xứ khá rõ rệt. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ba Lan lần I, Đức Gioan Phaolô II đã dành ba ngày cuối cùng cho Tổng giáo phận Cracovie, nơi Ngài từng là Tổng Giám mục trước khi được bầu đảm nhận nhiệm vụ kế vị thánh Phêrô. Sáng Thứ bảy, ngày 9 tháng 6 năm 1979, ngài đến Mogila, một tu viện Xitô cổ kính, được xây dựng từ thế kỷ XIII, để gặp gỡ giới công nhân. Tu viện tọa lạc trên một sườn đồi, đối diện với Nowa Huta, một thành phố thợ thuyền Xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Ba Lan, nơi sinh sống của khoảng 200.000 dân, đa số là công nhân trẻ.

Đối diện với thực trạng bi thảm của dân tộc Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu phải trở về với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong bài giảng lịch sử hôm đó cũng như một số bài diễn văn sau đó, hai từ “tân” và “tái phúc âm hoá” được sử dụng đồng thời và lẫn lộn. Một số ý kiến phản hồi đề nghị phân biệt “tân phúc-âm-hóa” với “tái phúc-âm-hóa”, bởi vì hạn từ “tái phúc-âm hóa” sẽ gây hiểu lầm là công cuộc rao giảng Tin Mừng trước đây thiếu sót, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải xóa bàn làm lại tất cả và từ đầu. Có lẽ đề nghị này đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp thu. Điều chắc chắn là chỉ ít lâu sau, trong các văn kiện chính thức người ta chỉ thấy diễn ngữ “tân phúc âm hoá”.

Đặc biệt nhất, ngỏ lời trước hội nghị các Giám-mục Mỹ châu La-tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II xác quyết  rõ rệt quan niệm “tân phúc âm hoá” nói trên: “Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả”.

Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về đề tài “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” đã lấy lại nguyên văn định nghĩa trên. Ý nghĩa chữ “tân” hay “mới” ở đây không đề cập đến bản chất và nội dung của Tin Mừng, vì Lời Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn bất biến, vẫn y nguyên, thiên thu vạn đại. Cái mới nói đây đúng hơn ám chỉ lòng nhiệt thành của các tín hữu trong hăng say dấn thân sống và loan báo Lời Chúa, cũng như trong việc sử dụng phương pháp, ngôn ngữ và cách thế diễn tả Tin Mừng thích hợp với nhu cầu thời đại và con người hôm nay.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhận định sâu sắc những thách đố mà thời đại đa văn hóa, đa phức tôn giáo và toàn cầu hóa đang đặt ra cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nêu rõ sự phức tạp, chập chùng ánh sáng và bóng tối mà những biến chuyển thời đại cống hiến cho chúng ta: “Xét về một mặt, nhân loại đã được hưởng những lợi ích không thể phủ nhận từ những thay đổi này, và Hội Thánh cũng đã rút ra được từ đó những kích thích để làm chứng cho niềm hy vọng mình ấp ủ; nhưng mặt khác, đã có một sự mất mát đáng lo ngại trong ý thức về sự linh thánh, nó thậm chí chất vấn cả những nền tảng mà có thời được coi là không thể lay chuyển, như niềm tin vào Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng, mạc khải về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất, và một sự hiểu biết chung về các kinh nghiệm cơ bản của con người: đó là sự sinh ra, sự chết, đời sống gia đình, và sự qui chiếu về một luật đạo đức tự nhiên”.

Đối diện với những thay đổi sâu rộng về khoa học kỹ thuật, xã hội, văn hoá..., các cộng đoàn Kitô giáo một lần nữa cần hăng hái đứng lên, can đảm dấn thân, cố gắng tìm ra thời giờ, nghị lực, phương tiện, ngôn ngữ và kinh nghiệm tôn giáo mới ngõ hầu đem Chúa đến cho con người hôm nay. Trách nhiệm này giả thiết khả năng canh tân kinh nghiệm đức tin của các cộng đồng Kitô giáo. Nói rõ hơn, để có thể loan báo Tin Mừng cho người khác, trước hết chúng ta phải Tin Mừng hóa bản thân, gia đình và xã hội.

Về lại Linh địa Trại Gáo trong Năm Đức tin của Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi nghiêm chỉnh nhìn lại bản thân, kiểm điểm lại cuộc đời, kiểm tra lại cách thức “giữ đạo” của chúng ta. Phải chăng cho đến nay chúng ta chỉ giữ đạo theo thói quen, nặng hình thức, vụ luật, thiếu gương lành, thiếu tình bác ái yêu thương. Vì vậy, cách “giữ đạo” của chúng ta chưa có tính thuyết phục và sức lan tỏa cho người khác.

Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định sâu sắc: “Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái”.

Trong Năm Đức Tin này, Hội đồng Giám mục thiết tha kêu gọi “mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá  của dân tộc”.

Đây là một cơ hội hồng phúc giúp chúng ý thức rằng một đức tin toàn diện phải bao gồm các mặt: tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vun đắp giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và nhất là gia đình vững mạnh. Thật vậy, “trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”.

Nếu sứ điệp trên được gửi đến tất cả các gia đình Công giáo, thì chắc chắn nó sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt cho Gia đình Thánh Tâm nói riêng. Thiết tưởng dịp tĩnh tâm này là cơ hội tốt để các thành viên Gia đình Thánh Tâm nhìn lại mối tương quan của mình đối với Chúa và với anh chị em đồng loại. Chúng ta chỉ khư khư giữ bằng được một số lễ nghi tập tục hay cố gắng sống và loan báo Tin Mừng? Ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống tốt và gương mẫu hơn người khác, thì phải chăng mỗi thành viên của Gia đình Thánh Tâm có nhiệm vụ sống tốt hơn nữa. Chính vì vậy, không thể chấp nhận hiện tượng các thành viên xuống cấp, gây gương mù và xáo trộn trong cộng đồng. Hơn ai hết, phải chăng các thành viên Gia đình Thánh Tâm phải hăng say loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, với nhiệt huyết, phương pháp và ngôn ngữ mới?

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Maria, Đấng được chúc phúc vì đã tin và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúc lành cho toàn thể giáo phận Vinh, cũng như các thành viên của Gia Đình Thánh Tâm hiện diện cũng như vắng mặt.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Nghi thức chúc lành khi hành hương Năm Đức Tin

Những điều cần biết trước

Trong đời sống mục vụ, nên coi trọng những cuộc hành hương đến những nơi thánh, hoặc để tổ chức một cử hành đặc biệt, vì chúng thôi thúc các tín hữu ăn năn hối cải, nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo và cổ vũ sáng kiến tông đồ.

Phải lo giữ lại điều riêng biệt của việc hành hương Kitô giáo, là bản chất thiêng liêng của chúng, và lo trình bày cũng như chuẩn bị cách thích hợp để những người hành hương thực sự trở nên "những người lên đường đi rao giảng Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II: Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 14) và để họ nhận được hiệu quả dồi dào do việc hành hương này.

Vậy để những người hành hương dễ đạt được điều đó, thì thường rất có ích là lúc khởi đầu và kết thúc cuộc hành hương, nên tổ chức một cử hành thích hợp để những người hành hương được nhận lãnh phép lành đặc biệt.

Nếu vào lúc khởi đầu hay kết thúc cuộc hành hương mà muốn cử hành thánh lễ hay một giờ kinh phụng vụ, hoặc một cử hành phụng vụ nào khác, thì có thể kết thúc các cử hành đó bằng một chúc lành đặc biệt cho những người hành hương, theo nghi thức đề nghị dưới đây.

Cả linh mục lẫn phó tế có thể sử dụng nghi thức trình bày dưới đây. Cần giữ lại cấu trúc và những yếu tố quan trọng hơn, rồi có thể thích ứng theo hoàn cảnh của cuộc hành hương hay của địa phương.

1. NGHI THỨC CHÚC LÀNH KHI BẮT ĐẦU LÊN ĐƯỜNG CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN

Tại các giáo xứ

1.1. Nghi thức mở đầu

Khi đoàn người hành hương đã tụ họp lại, nên hát thánh vịnh 121 (122), hoặc ca khúc nào khác thích hợp. Kết thúc bài hát, chủ sự đọc:

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mọi người làm dấu Thánh giá trên mình và thưa:
Amen.

Rồi chủ tế chào những người hiện diện và nói:

Xin Thiên Chúa là Đấng cứu độ và là niềm an ủi của chúng ta, ở cùng tất cả anh chị em.

Đ. Và ở cùng cha

Bấy giờ chủ sự dùng những lời sau đây hoặc tương tự để dọn lòng những người hiện diện đón nhận phép lành.

Anh chị em rất thân mến, lên đường tham dự cuộc hành hương cử hành Năm Đức Tin, chúng ta hãy hồi tưởng lại xem tư tưởng nào đã làm cho chúng ta có quyết định thánh thiện này.

Việc cử hành chúng ta sẽ tham dự làm chứng cho đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta đức tin, nhờ đó, chúng ta được trở nên con cái Chúa, đáng được hưởng gia tài của Chúa. Vì thế, khi hành hương về, chúng ta hy vọng sẽ được mạnh mẽ hơn trong quyết tâm thăng tiến đời sống đức tin và hăng hái thông truyền đức tin đó cho mọi người, đạc biệt là những người chưa nhận biết Chúa.

1.2. Lời Chúa: Dt 10,19-25

Trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Thưa anh em, nhờ máu Ðức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần.

Tuỳ nghi, chủ sự có thể nói ít lời với những người hiện diện, giải thích bài đọc Kinh Thánh để họ có thể hiểu được ý nghĩa của việc cử hành.

1.3. Lời nguyện chung

Chúng ta hãy tin tưởng nguyện cầu Thiên Chúa cho cuộc lữ hành của loài người chúng ta và nguyện rằng:

Đ. Lạy Chúa, xin thương đồng hành với chúng con.

Lạy Cha chí thánh, xưa chính Cha đã tự nguyện làm người hướng dẫn và là đường đi cho dân Cha lữ hành trong sa mạc: xin cho chúng con vững tin vào sự quan phòng đầy yêu thương của Cha trong quãng đời lữ thứ trần gian này, đặc biệt khi chúng con gặp nghi nan bối rối. Đ.

Cha đã ban Con Một Cha làm đường dẫn chúng con về với Cha, xin cho chúng con biết vững lòng phó thác và kiên nhẫn đi theo Người. Đ.

Cha đã ban Đức Maria trọn đời đồng trinh cho chúng con như hình ảnh và mẫu gương cuộc sống đức tin, xin cho chúng con luôn biết nhìn ngắm Đức Mẹ mà dấn bước trên những nẻo của Tin Mừng. Đ.

Nhờ Chúa Thánh Thần, Cha đưa dẫn Hội Thánh lữ hành trần thế đi về với Cha, xin ban ơn để khi tìm kiếm Cha trên hết mọi sự, chúng con biết chạy theo đường mệnh lệnh của Cha. Đ.

Cha kêu gọi chúng con đến với Cha qua nẻo đường công lý và bình an, xin ban ơn, để, ngày kia, chúng con được chiêm ngắm Cha trên quê hương muôn đời. D.

1.4. Lời nguyện chúc lành

Bấy giờ chủ sự dang tay đọc tiếp:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn tỏ lòng thương xót những ai yêu mến Chúa và, ở bất cứ nơi đâu, Chúa vẫn gần gũi những người tìm kiếm Chúa, xin  hiện diện kề bên các tôi tớ Chúa đang hành hương với tâm hồn đạo đức và dẫn đường cho họ đi theo thánh ý Chúa, để ban ngày họ được Chúa phủ bóng chở che cho được an toàn và ban đêm được ánh sáng ơn thánh Chúa soi đường, hầu, có Chúa đồng hành, họ có thể hân hoan đạt tới nơi họ muốn tới. Chúng cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Đ. Amen

1.5. Kết thúc nghi lễ

Bấy giờ chủ sự kết thúc nghi thức và đọc:

Xin Thiên Chúa dẫn lối chỉ đường cho chúng ta và sắp đặt để đường chúng ta đi được an toàn may mắn.

Đ. Amen

Xin Chúa ở bên chúng ta và đoái thương đồng hành với chúng ta.

Đ. Amen

Nhờ Chúa phù trợ, xin cho chúng ta hân hoan hoàn tất lộ trình mà giờ đây chúng ta tin tưởng khởi hành.

Đ. Amen

Nên hát một bài thích hợp.
2. NGHI THỨC CHÚC LÀNH KHI KẾT THÚC CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN

Kết thúc thánh lễ, giờ kinh phụng vụ hay một cử hành khác, thay vì phép lành thông thường, chủ sự sẽ chúc lành cho mọi người hành hương theo công thức sau đây:

2.1. Nghi thức mở đầu

Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em.
Cộng đoàn: Và ở cùng cha.
Rồi chủ tế nói với những người hiện diện:
Chủ sự: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một thời gian đặc biệt của ơn thánh. Vậy chúng ta đã tin tưởng vào việc cử hành Năm Đức Tin này, giờ đây chúng ta được thúc đẩy từ bên trong để canh tân tâm hồn. Nơi mà chúng ta đã cùng nhau tụ họp lại để khai mạc Năm Đức Tin là dấu chỉ tòa nhà của Thiên Chúa, tòa nhà không do tay người phàm làm ra, đó chính là Thân Thể Đức Kitô, mà chúng ta là những viên đá sống động được tuyển chọn, được dựng xây trên Người là viên đá góc. Giờ đây trở về nhà, chúng ta hãy sống ơn gọi đức tin của chúng ta, nhờ ơn gọi này, chúng ta thực sự là dòng dõi được tuyển chọn, là tư tế hoàng vương, là dân thánh và là đoàn dân được cứu chuộc, để chúng ta loan báo quyền năng của Người là Đấng đã kêu gọi chúng ta ra khỏi nơi tối tăm để vào trong ánh sáng kỳ diệu của Người.
2.2. Lời cầu
Từ những lời cầu đề nghị dưới đây, chủ tế có thể chọn những lời cầu xem ra thích hợp hơn hoặc thêm vào những lời cầu khác liên hệ tới hoàn cảnh đặc biệt của những người hành hương hoặc của sự việc.
Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa là Chúa trời đất, Đấng đã muốn cho nhân tính của Đức Kitô có trọn vẹn thần tính, và nguyện rằng:
Đáp: Lạy Chúa, từ đền thánh Chúa xin nhìn đến và chúc lành cho dân Chúa.
Lạy Cha chí thánh, Cha đã muốn dùng cuộc xuất hành vượt qua để hình dung cách mầu nhiệm cho dân Cha thấy trước con đường cứu độ phải đi, xin ban ơn để khi dấn bước trên những nẻo đường đời, chúng con biết mở rộng cõi lòng và tự nguyện đi theo Cha. - Ðáp.
Cha đã đặt Giáo Hội như một đền thánh nơi trần gian để nên ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người, xin làm cho nhiều dân tộc ở khắp nơi tìm về với Hội Thánh và bước đi trên những nẻo đường của Cha. - Ðáp.
Là Thiên Chúa, Cha đã quả quyết rằng không thành đô nào nơi trần gian có thể tồn tại, xin cho chúng con biết tin tưởng tìm kiếm thành đô thiên quốc. - Ðáp.
Cha đã dạy phải nhận ra sự hiện diện của Cha trên mọi nẻo đường đời, xin cho chúng con được Con Cha làm bạn đồng hành lúc đi đường, và là vị đồng bàn khi bẻ bánh. - Ðáp.
2.3. Lời nguyện chúc lành
Chủ tế dang tay và đọc tiếp:
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, từ mọi dân tộc, Chúa đã chọn cho Chúa một dân biết tôn kính Chúa và thực thi những việc tốt lành: Chính Chúa đã ban thần khí đánh động tâm hồn những người anh chị em này để họ trung thành gắn bó với Chúa và mau mắn phụng thờ Chúa hơn, chúng con nài xin Chúa đoái thương đổ tràn phúc lành xuống trên những người này, để khi vui mừng trở về nhà, họ biết dùng lời nói mà ca ngợi và dùng việc làm mà công bố cho mọi người những kỳ công của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ. Amen.
2.4. Kết thúc nghi thức
Chủ tế: Xin Thiên Chúa là Chúa trời đất, Đấng đã thương hiện diện với anh chị em trong cuộc hành hương này, luôn che chở gìn giữ anh chị em.
CĐ. Amen.
CT: Xin Thiên Chúa là Đấng đã làm cho con cái Ngài đang bị phân tán được đoàn tụ trong Đức Kitô Giêsu, cũng làm cho anh chị em được nên một lòng một ý với nhau trong Người.
CĐ. Amen.
CT: Xin Thiên Chúa là Đấng đã đoái thương gợi lên nơi anh chị em ý muốn hành hương và giúp anh chị em thực hiện ý muốn đó để làm đẹp lòng Ngài, ban phúc lành củng cố lòng đạo đức của anh chị em.
CĐ. Amen.
CT: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha + và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
CĐ. Amen.
CT: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an.
CĐ. Tạ ơn Chúa.
Nên kết thúc bằng một bài hát thích hợp. Có thể hát bài “Lạy Chúa con tin” hay "Cánh cửa đức tin"

Vài cảm nhận về tuần tĩnh tâm linh mục

GPVO - Một linh mục vừa tham dự tuần tĩnh tâm đợt thứ hai đã gửi cho GPVO cảm nhận của mình về những ngày tĩnh tâm vừa qua. Xin giới thiệu cùng độc giả để biết cảm nghĩ của người trong cuộc như thế nào.

Anthony Hoàng Nguyễn

Linh mục là người nhà Thiên Chúa, là cánh cộng sự viên của giám mục trong việc điều hành giáo phận, với một thánh chức kèm theo một sứ vụ cao cả mà ngay cả các Thiên Thần cũng không thể có: đó là việc coi sóc các linh hồn! Tắt một lời: các ngài là những mục tử.

Tuy nhiên, là linh mục, trước hết, các ngài vẫn là con người đầu đen, máu đỏ, được sinh ra, lớn lên trong giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì thế, ngài cũng cần được cứu rỗi.

Thánh Augustino đã từng nói rất chí lý: "Cho anh em, tôi là mục tử; với anh em, tôi là Kitô hữu."

Như cỗ máy, theo thời gian sử dụng, cần được chỉnh sửa, bảo dưỡng định kỳ kịp thời, đúng lúc, các linh mục cũng cần được tiếp tục huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao về nghiệp vụ và tâm linh.

Trải qua dòng lịch sử, các đấng bề trên dành mối quan tâm hằng đầu về vấn đề này. Cụ thể, các ngài đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, tìm thầy chạy thợ, mời các chuyên viên hàng đầu trong lĩnh vực tâm linh, về giúp giảng huấn trong tuần tĩnh tâm.

Hằng năm, ngoài tuần tĩnh tâm còn có các kỳ thường huấn chuyên đề. Nếu như kỳ thường huấn được tổ chức với mục đích giúp cho các linh mục ôn lại, rà soát, nắm vững các vấn đề cơ bản cũng như nâng cao về thần học tín lý, luân lý, mục vụ, giáo luật..., thì tuần tĩnh tâm nhấn mạnh đến ơn gọi và phần rỗi của các linh mục. 

Tuần tĩnh tâm năm nay được chia làm ba đợt dành cho ba nhóm, chia theo năm chịu chức linh mục. Ngoài lý do kỹ thuật mục vụ, còn do điều kiện cơ sở vật chất Toà giám mục không thể tổ chức tĩnh tâm cùng lúc cho hơn 200 linh mục.

Với mục đích giúp cho tuần tĩnh tâm đạt kết quả cao nhất, mang lại nhiều ích lợi thiêng thánh cho cá nhân từng linh mục và giáo phận, ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo. Cụ thể, nhà ăn và cũng là hội trường đã được tu sửa cách cơ bản. Khuôn viên, hàng rào được chỉnh trang, đẹp đẽ, thoáng mát.

Vị giảng phòng năm nay là cha Giuse Hoàng Văn Quảng, một linh mục dòng Tên, chuyên viên về tĩnh tâm và linh thao. Ngài đã chọn lại chủ đề: Người của Thiên Chúa. Chủ đề này tuy không mới, cũ rồi, nhưng nói mãi, nghe không chán, không đủ và không cùng. 

Với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng, ngài đã đưa các linh thao viên đi vào sa mạc tĩnh lặng, để ở đó, các vị khám phá chính bản thân mình trong mối tương quan với Chúa và tha nhân. Từ đó, các linh thao viên, được hướng dẫn tìm gặp Thiên Chúa, rồi nghỉ ngơi trong Ngài, cảm nghiệm được tinh thần của Ngài, lắng nghe nhịp đập con tim của Chúa đang vọng bên tai. Với sự kinh nghiệm của mình, vị giảng phòng đã giúp cho các linh thao viên ý thức được vai trò, sứ mạng người mục tử trong bối cảnh xã hội đương đại. 

Là người của Thiên Chúa, các linh mục được mời gọi kết hợp với Chúa mọi nơi, mọi lúc, khi đi ngủ cũng như lúc thức dậy, khi ở nhà cũng như lúc đi đường. Nhờ đó, mà các linh mục mới thực sự là hiện thân của Chúa giữa lòng đời, là địa chỉ tìm về cho những tâm hồn bơ vơ, lạc lối, thất vọng, hoài nghi hôm nay.

Bên cạnh chủ đề mang tính thời sự, hữu ích, người hướng dẫn giàu kinh nghiệm và thông thái, thì thời khoá biểu hợp lý và không gian tĩnh lặng bên ngoài cũng là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của tuần tĩnh tâm.

Có thể mạnh dạn nói rằng tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận Vinh thành công, mang lại nhiều điều bổ ích cho các linh mục. 

Chúng tôi, những người trong cuộc, xin mạo muội cảm ơn Đức cha đã lo lắng, đồng hành chia sẻ trong suốt cả thời gian hồng phúc này. Xin chân thành cảm ơn cha giảng phòng đã mang đến một đề tài hay, chứa đựng lịch sử thánh Cựu Ước, cũng như những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của cha và các thánh cho chúng tôi. 

Xin chân thành cảm ơn quý cha, quý thầy, quý xơ và các nhân viên Toà giám mục đã hy sinh, tận tuỵ giúp đỡ chúng tôi. 
Chúng tôi, những mục tử hẳn, không bao giờ quên những lời cầu nguyện của anh chị em xa gần của giáo phận nhà và cả những đoàn thể, giáo xứ lân cận đến động viên, tặng quà cho chúng tôi trong dịp này. 

Xin Chúa trả công bội hậu cho những người làm phúc cho chúng con.

Mỗi dịp tĩnh tâm là mỗi dịp lấy lại đà, tiếp thêm sức mạnh, để bước tiến một cách chắc chắn trên hành trình thiêng liêng và sứ vụ của mình. Xin Chúa chúc lành cho các linh mục của Ngài.

Tuần tĩnh tâm của các linh mục [1]: Người của Thiên Chúa

GPVO - Cuộc sống của linh mục càng ngày càng trở nên bận rộn. Tình trạng này có thể làm cho người ta “có nguy cơ trở nên cứng cỏi, chai đá” trong đời sống nội tâm. Vì thế, cần có thời gian để hồi tâm, thinh lặng và lắng nghe. 

38 linh mục trong giáo phận đã có cuộc tĩnh tâm đợt thứ nhất tại Tòa Giám mục Xã Đoài từ ngày 5 đến ngày 10/11/2012.
 
Mỗi năm các linh mục phải dành một số ngày để tĩnh tâm, đó là đòi buộc theo giáo luật điều 533, số 2.
Những ngày cách li khỏi các sinh hoạt của giáo xứ – thăm viếng, gặp gỡ, xây dựng và các công việc mục vụ khác – quả là cơ hội hiếm có trong năm của một cha sở.

Năm nay các linh mục tĩnh tâm theo phương pháp linh thao, do cha Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J., hướng dẫn.

Ngoài các giờ kinh phụng vụ, thánh lễ và chầu Thánh Thể, những người dự cuộc tĩnh tâm nghe giảng 2 lần và có 3 tiếng đồng hồ cầu nguyện mỗi ngày. Đây là những phương thế giúp các linh mục thánh hóa và canh tân đời sống trong ân sủng, để trở thành những con người mới theo hình ảnh của Chúa Giêsu mục tử và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng cho thế giới ngày nay.

Người của Thiên Chúa

Người của Thiên Chúa, đó là chủ đề của cuộc tĩnh tâm lần này. Theo đó, vị tu sĩ của dòng Tên đã trình bày các đề tài giúp suy tư về ơn gọi, sứ vụ và căn tính của linh mục.

Định nghĩa tốt nhất về ‘người của Thiên Chúa’ theo Cựu Ước là: người được “thánh hiến cho Thiên Chúa”. Các tư tế được thánh hiến cho Thiên Chúa (Xh 29,1), để lo việc tế tự hay những hiến sinh – nazir (Ds 6,7), đặt biệt là các ngôn sứ, như trường hợp Giêrêmia (Gr 1,5).

Theo thánh Phaolô, một người của Thiên Chúa là người sống giữa thế gian nhưng bày tỏ những đặc tính của Thiên Chúa mà người ấy thấu hiểu, vì luôn luôn ở gần và sống trong sự dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, với tâm tình là mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Sống gần Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, người ấy thấu hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, nhờ thế có thể nói và hành động nhân danh Thiên Chúa.

Khi gọi Timothê là người của Thiên Chúa, thánh Phaolô muốn gợi lên một thực tại là người môn đệ được dành riêng và “thánh hiến” cho việc phụng sự Thiên Chúa.

Cũng theo nghĩa ấy – tức theo nghĩa tư tế và ngôn sứ của Cựu Ước – Giáo hội quen gọi linh mục là người của Thiên Chúa, người được chọn gọi, tách rời, dành riêng để thuộc trọn về Chúa, làm công việc của Chúa.

Đức giáo hoàng Phaolô VI cho một nghĩa khá đầy đủ về “người của Thiên Chúa”: “Đúng như cách diễn tả của mọi người, linh mục là “người của Thiên Chúa, nghĩa là “một con người mà lẽ sống là phụng thờ Thiên Chúa, say mê tìm kiếm người, nghiên cứu và nói về Người và phục vụ Người” (TGM Montini, lời tựa cho quyển sách của Pierre Veuillot, Chức linh mục của chúng ta, Fleurus, 1954).

Lm Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J. Ảnh Đức Ngợi

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói với các linh mục tại Roma vào đầu mùa Chay 2010 rằng: “Linh mục là những con người của Thiên Chúa, sống hiệp thông với Chúa Kitô để dẫn đưa nhân loại đến sự hiệp thông với Thiên Chúa.”

“Sự chọn lựa sống này đòi hỏi linh mục phải phát huy những tâm tình và cảm thức theo ý muốn Thiên Chúa. Điều này giả thiết một sự hoán cải, vốn không đơn giản, vì đi ngược lại với não trạng đương thời.”

“Ba khía cạnh cốt yếu của đời sống linh mục để có một chứng từ hữu hiệu: tình bạn với Chúa Kitô, sự tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sự hiệp thông trong tình yêu”.

Người ta chờ đợi gì nơi linh mục?

Khi được hỏi “Bạn chờ đợi gì nơi linh mục?” thì Francois Mauriac (1885-1970), văn sĩ Công giáo, hàn lâm viện Pháp năm 1933, giải Nobel về văn chương 1952, trả lời: “Tôi chỉ xin các ngài cho tôi Thiên Chúa, chứ không xin các ngài nói về Thiên Chúa. Đối với tôi, việc rao giảng hiệu nghiệm của linh mục luôn là chính đời sống của ngài. Một linh mục tốt không cần có gì để nói với tôi: tôi nhìn ngài và điều đó là đủ cho tôi rồi.”

“Dòng tu nói tốt hơn hết về Thiên Chúa, đó là các đan sĩ Biển Đức, vì họ không bao giờ lên tòa giảng, nhưng làm cho chúng ta sống thảm kịch thánh lễ... Tôi hiểu Kierkegaard biết bao khi ông ta nói: Thiên Chúa là một Ai đó mà ta nói với, chứ không phải là Đấng mà ta nói về” (Qu’attandez-vous du prêtre? Paris 1949, p. 91).

Jean Guitton (1901-1999) là triết gia và thần học gia Công giáo, hàn lâm viện Pháp năm 1961, quan sát viên giáo dân duy nhất tại Công đồng Vatican II, nói về linh mục trong một bài báo như sau: 

“Chúng tôi xin các linh mục, trước hết và trên hết, hãy cho chúng tôi Thiên Chúa, qua quyền năng tha tội và tế lễ. Linh mục là người của Thiên Chúa, sứ giả mầu nhiệm của đức tin. Nhân loại bị chìm đắm trong bóng tối và sương mù bao phủ. Con người bị lường gạt và thất vọng bởi những cái tương đối, nên chỉ khao khát một Đấng Tuyệt Đối” (Le Figaro 22/4/1982).

Anh làm việc cho ai?

Chiều kia, một rabbi đi dạo quanh một nông trại gần đó, và gặp một người bảo vệ, được thuê để canh gác nông trại.

Vị rabbi hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh bảo vệ nông trại cho ai?”

Người bảo vệ nói tên chủ mình và anh hỏi lại: “Còn ngài, thưa rabbi, ngài đang canh cho ai?

Một chốc thinh lặng để cố tìm câu trả lời, ông đáp: “Hiện giờ tôi không canh cho ai cả”. Rồi vị rabbi thêm: “Anh bạn có muốn làm việc cho tôi không?”

“Dĩ nhiên, tôi rất thích” – người bảo vệ trả lời – “nhưng tôi phải làm gì?”

Vị rabbi đáp: “Anh có bổn phận nhắc tôi là tôi đang canh gác cho ai.”

Hiện giờ tôi đang làm việc cho ai? Có thể tôi đang làm việc mệnh danh là ‘của Chúa’ nhưng lại làm ‘cho tôi’. 

Tôi có quá bận tâm đến công việc của Chúa đến mức quên Chúa của các công việc không?

“Chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? ... Ta không biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều ác (xem Mt 7,21-23).
*  *  *
Trên đây là tóm lược một số ý tưởng trong tập linh thao Người của Thiên Chúa, được cha giảng phòng trình bày cho các linh mục trong tuần tĩnh tâm vừa qua. 

Những ngày tĩnh tâm của các linh mục đã kết thúc với thánh lễ cầu nguyện cho việc tân Phúc âm hóa tại nhà thờ chính tòa Xã Đoài sáng thứ bảy ngày 10/11/2012. Thánh lễ do Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự.

Sau thánh lễ các linh mục ra viếng nghĩa trang giáo phận, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh mục đàn anh đã qua đời.

Chiều nay, 12/11/2012, các linh mục sẽ bắt đầu tuần tĩnh tâm đợt thứ hai.

[Bài kế tiếp sẽ nói về những mẫu gương của đời linh mục.]
Lm Phạm Quang Long ghi
Ảnh Đức Ngợi

Thông báo về ơn toàn xá năm thánh tại giáo phận Vinh


Tòa giám mục Xã Đoài
Số 11/12 TMV – TGM                                     
Xã Đoài, ngày 11/11/2012

THÔNG BÁO
V/v: Ban Ơn Toàn Xá Tại Giáo Phận Vinh

Kính gửi: quý cha và toàn thể anh chị em trong giáo phận,
Nhân dịp Giáo Hội cử hành Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ban ơn toàn xá cho các tín hữu trên thế giới. Trong Sắc lệnh ngày 14 tháng 9 năm 2012, Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh công bố: “Trong Năm Đức Tin các tín hữu có thể được hưởng ơn toàn xá, tha các hình phạt tạm vì tội lỗi, nhờ lòng từ bi của Chúa, và có thể nhường các ơn này cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ thành tâm thống hối, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha” (Xin vào đây để đọc toàn bộ nội dung Sắc Lệnh).

Vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu và với quyền được ban qua sắc lệnh này, tôi quyết định công bố việc ban ơn toàn xá cho mọi thành phần Dân Chúa thuộc giáo phận Vinh trong Năm Đức Tin. Để lãnh nhận ơn toàn xá, anh chị em thực hành những việc như sau:

1. Học hỏi về Đức Tin

Anh chị em nhận được ơn toàn xá mỗi ​​khi anh chị em tham dự ít nhất ba bài giảng về truyền giáo, hoặc ít nhất là ba bài học về các văn kiện của Công Đồng hoặc các điều của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tại nhà thờ hay bất kỳ nơi nào khác thích hợp.

2. Viếng các nhà thờ sau đây trong Giáo Phận Vinh

1.     Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài
2.     Đền Thánh Phêrô Hoàng Khanh – giáo họ Trung Hậu
3.     Đền Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa – xứ Thuận Nghĩa
4.     Đền Thánh Antôn – giáo họ Trại Gáo
5.     Nhà thờ giáo xứ Đông Tháp
6.     Nhà thờ giáo xứ Cồn Cả
7.     Nhà thờ giáo họ Lương Khế – giáo xứ Trung Hòa
8.     Nhà thờ giáo xứ Bảo Nham
9.     Nhà thờ giáo xứ Trang Đen
10.  Nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm
11.  Nhà thờ giáo xứ Lập Thạch
12.  Nhà thờ giáo xứ Thọ Ninh
13.  Nhà thờ giáo xứ Khe Sắn
14.  Nhà thờ giáo xứ Trại Lê
15.  Nhà thờ giáo xứ Văn Hạnh
16.  Nhà thờ giáo xứ Làng Truông
17.  Nhà thờ giáo xứ Nhượng Bạn
18.  Nhà thờ giáo xứ Kỳ Anh
19.  Nhà thờ giáo xứ Hướng Phương
20.  Nhà thờ giáo xứ Hòa Ninh
21.  Nhà thờ giáo xứ Minh Cầm
22.  Nhà thờ giáo xứ Khe Gát
23.  Nhà thờ giáo xứ Đan Sa.

Tại những nhà thờ trên, anh chị em nhận được ơn toàn xá khi tham dự một cử hành phụng vụ, hoặc ít là ở lại một thời gian thích hợp để cầu nguyện và suy niệm đạo đức, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, và khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, hay các thánh Tông Đồ hoặc các thánh Bổn Mạng.

3. Tuyên xưng Đức Tin

Trong Năm Đức Tin, ở bất kỳ nhà thờ hay nhà nguyện nào, anh chị em cũng nhận được ơn toàn xá khi anh chị em tham dự Thánh Lễ Trọng, hoặc Phụng Vụ Các Giờ Kinh, cùng với việc tuyên xưng Đức Tin bằng việc đọc kinh Tin Kính vào các ngày Lễ Trọng hay lễ kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh Tông Đồ[1]được liệt kê sau đây:
- 24.11: Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam
- 25.11: Lễ Chúa Kitô Vua
- 30.11: Lễ Thánh Anrê Tông Đồ
- 03.12 : Lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các xứ truyền giáo
- 08.12: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
- 25.12: Lễ Sinh nhật Chúa Giêsu
- 27.12: Lễ Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử
- 30.12: Lễ Thánh Gia Thất
- 01.01: Lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa
- 06.01: Lễ Chúa Hiển Linh
- 25.01: Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại
- 10.02: Lễ Tết Nguyên Đán
- 22.02: Lễ Kính lập Tông Tòa Thánh Phêrô
- 19.3: Lễ Thánh Giuse
- 24.3: Lễ Lá
- 31.3: Lễ Chúa Phục Sinh
- 08.4: Lễ Truyền Tin
- 21.4: Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Ngày cầu cho ơn thiên triệu
- 25.4: Lễ Thánh Marcô, Tác giả sách Tin Mừng
- 03.5: Lễ Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê Tông Đồ
- 14.5: Lễ Thánh Matthia Tông Đồ
- 19.5: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
- 26.5: Lễ Chúa Ba Ngôi
- 02.6: Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
- 07.6: Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
- 24.6: Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Baotixita
- 29.6: Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ
- 03.7: Lễ Thánh Tôma Tông Đồ
- 25.7: Lễ Thánh Giacôbê Tông Đồ
- 15.8: Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Quan thầy giáo phận
- 24.8: Lễ Thánh Bartôlômêô Tông Đồ
- 14.9: Lễ Suy tôn Thánh Giá
- 21.9: Lễ Thánh Matthêô Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng
- 01.10: Lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn mạng các xứ truyền giáo
- 18.10: Lễ Thánh Luca, Tác giả sách Tin Mừng
- 28.10: Lễ Thánh Simon và Thánh Giuđa Tông Đồ.
Ngoài ra, anh chị em cũng nhận được ơn toàn xá khi tham dự các thánh lễ ban phép Rửa Tội hoặc Thêm Sức có việc tuyên xưng Đức Tin.

Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên anh chị em trong Năm Đức Tin. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho giáo phận.
Thân ái trong Chúa Kitô,

X Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám Mục giáo phận Vinh


[1] Theo nguyên tắc chữ đỏ, lễ Kính không đọc kinh Tin Kính, nhưng để hưởng ơn toàn xá trong Năm Đức Tin, cần đọc kinh này.